Biểu hiện của ung thư cổ tử cung như huyết trắng nhiều, rong kinh, bí tiểu… dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác nên thường bị bỏ qua. Ung thư cổ tử cung có tính chất phổ biến, chiếm khoảng 12% các ung thư mới mắc ở phụ nữ. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng HPV.
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiền ung thư thường không rõ ràng. Các tế bào bất thường chỉ được phát hiện nếu chị em khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát định kì. Chỉ đến khi khối u bướu phát triển, xâm lấn xung quanh và di căn thì biểu hiện của ung thư cổ tử cung mới bộc phát. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì tỉ lệ chữa khỏi lên tới 85-90%. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn II, III thì khả năng sống chỉ còn một nửa và người bệnh sẽ mất khả năng làm mẹ. Nếu bệnh ở giai đoạn cuối thì chỉ có 15% bệnh nhân còn sống sau 5 năm.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh (Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, khoảng 80% phụ nữ đã quan hệ có nguy cơ nhiễm virus gây u nhú HPV tại bất kì thời điểm nào trong đời. Một số trường hợp có hệ miễn dịch tốt có thể thải loại virus này. Tuy nhiên khi cơ thể không đủ sức chống virus và virus lây nhiễm lâu ngày thì sẽ dẫn đến tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác dẫn đến việc chị em đến thăm khám khi đã quá muộn. Vì vậy, chị em không nên bỏ qua những dấu hiệu nhận biết bệnh dưới đây.
Chảy máu âm đạo bất thường – Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Khi các khối u phát triển sẽ lan sang mô lân cận, tạo ra các mạch mới, dễ vỡ và gây chảy máu. Tình trạng chảy máu bất thường xảy ra giữa chu kì kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh. Máu có màu đỏ tươi, ít và tự ngưng nhưng càng về sau càng tăng dần.
Huyết trắng có phải dấu hiệu ung thư cổ tử cung?
Huyết trắng lúc đầu ít, sau đó tăng dần, có thể ở dạng loãng hoặc nhày, màu trắng đục, đôi khi kèm theo máu nhầy, có mùi hôi. Đây là biểu hiện thường thấy của căn bệnh nguy hiểm này. Nếu triệu chứng này kéo dài, bạn cần đi khám phụ khoa càng nhanh càng tốt.
Đau khi quan hệ do ung thư cổ tử cung
Khi bị tổn thương đường sinh dục, người bệnh sẽ cảm thấy đau rát sau mỗi lần quan hệ tình dục. Dấu hiệu này cũng cảnh báo ung thư cổ tử cung.
Các biểu hiện của ung thư cổ tử cung khác
– Đau vùng chậu: Những cơn đau âm ỉ thường xuyên xảy ra và tăng dần.
– Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt của người bị ung thư cổ tử cung có thể kéo dài hơn bình thường, lượng kinh cũng lớn hơn và có thể bị rong kinh.
– Khó chịu khi đi tiểu: Ung thư cổ tử cung sẽ khiến người bệnh gặp tình trạng tiểu buốt, tiểu gắt rất khó chịu.
– Tiểu không kiểm soát: Khi ung thư đã lan rộng ra ngoài cổ tử cung thì người bệnh thường có biểu hiện tiểu khó, lắt nhắt, tiểu không tự chủ, đôi lúc còn kèm theo máu.
– Giảm cân đột ngột: Ung thư cổ tử cung bước vào giai đoạn muộn sẽ khiến người bệnh giảm cân không rõ lý do.
– Mệt mỏi thường xuyên: Do hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, thiếu máu, thiếu năng lượng nên dù nghỉ ngơi đầy đủ thì người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi liên tục.
– Đau chân: Khối u lan rộng gây tắc nghẽn dòng máu, khiến chân sưng và đau liên tục.
Những biểu hiện của ung thư cổ tử cung trên đây cũng rất dễ gặp ở các bệnh phụ khoa hoặc nhiều bệnh khác. Vì vậy nếu có bất kì dấu hiệu bất thường nào, chị em nên nhanh chóng thăm khám để được chẩn đoán bệnh chính xác, có phương án điều trị kịp thời.
Một số cách phòng tránh ung thư cổ tử cung
Những biểu hiện của ung thư cổ tử cung thường rất dễ nhầm lẫn với bệnh phụ khoa thông thường. Do đó, cách tốt nhất là khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh. Ngoài ra, có rất nhiều cách phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả cao và đơn giản mà phụ nữ ai cũng cần biết.
Tiêm chủng HPV phòng ung thư cổ tử cung
Virus HPV lây qua đường tình dục là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung. Vì vậy tiêm chủng HPV giúp ngăn ngừa các chủng virus HPV gây ung thư phổ biến nhất. Theo khuyến cáo, nữ giới tuổi từ 9-26, chưa hoặc đã quan hệ tình dục đều có thể tiêm vắc xin. Cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa HPV trong 6 tháng liên tục.
Xét nghiệm PAP smear
Xét nghiệm này giúp phát hiện sớm những biểu hiện của ung thư cổ tử cung từ sớm để tiến hành điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tiến triển của bệnh. Xét nghiệm này nên tiến hành thực hiện mỗi năm một lần và chỉ dành cho người đã có quan hệ tình dục.
Thực hiện chế độ sống lành mạnh
Nhằm tránh bị nhiễm virus HPV, người bệnh cần nâng cao ý thức thực hành tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hạn chế sử dụng thuốc tránh thai.
Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc với môi trường có khói thuốc. Không sử dụng chất kích thích: rượu bia, ma túy…Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt ở những thời điểm: trong kì kinh nguyệt, trước và sau quan hệ tình dục, giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, khi sinh nở, sau khi sinh…
Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin E, A, C và canxi, những thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa: dâu tây, gừng, nghệ, chuối, rau cải, trà xanh…để phòng ngừa ung thư. Có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý, đặc biệt là hạn chế stress.
Những biểu hiện của ung thư cổ tử cung thường cảnh báo bệnh vào giai đoạn muộn. Vì vậy người bệnh không nên chờ đến khi có triệu chứng mới tiến hành thăm khám phụ khoa mà nên chủ động tầm soát hàng năm và tiêm chủng HPV từ sớm để giảm 70% nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Nguồn tham khảo: https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/10-dau-hieu-canh-bao-ung-thu-co-tu-cung-chi-em-hay-bo-qua-3627708.html
.