Dược Liệu Sạch Bạch Phụ Tử
(Typhonium giganteum Engl)
Dược Liệu Bạch phụ tử có tên khác:Bạch ba xuyến, Tân la bạch nhục (Hòa Hán Dược Khảo), Vũ bạch phụ, Độc giác liên, Vũ bạch phụ, Ma vu tử, Hồng nam tinh, Đại bán ha (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Typhonium giganteum Engl. Họ khoa học: Araceae.
Tên gọi: Vị này giống như củ Phụ tử nhưng nhỏ hơn, thật ra không phải loài Phụ tử.
Mô tả cây thuốc:
Cây thuốc Bạch phụ tử là cây cỏ đa niên, thân củ hình trứng có khi tròn như quả trứng, đường kính 2-4cm. Lá mọc ở gốc, 1-3 phiến, có cuốn dài, cao hơn 30cm, lá phiến tam giác hình trứng, hình mũi tên ở gốc, dài 10-35cm, rộng 7-22cm. Bông mo nhị đực ở trên, nhị cái ở dưới, bên ngoài bao bởi bông mo màu tím. Quả mọng màu hồng.
Địa lý: Theo ‘Trần Nhân Sơn Dược Vật Sinh Sản Biện’, cây này có ở châu Vũ Hà Nam (Trung Quốc), Ít thấy ở Việt Nam.
Thu hái: Đào rễ phơi khô vào giữa tháng 3.
Phần dùng làm thuốc: Dùng củ rễ.
Bào chế: Khi dùng phải ngâm với nước sôi hoặc vùi vào tro nóng để cho bớt độc (Bản Thảo Cương Mục).
Thành phần hoá học: Lá, thân, rễ đều chứa acid cyanhydric. Hạt chứa 30% dầu, có thể dùng thắp được.
Tính vị: Vị cay ngọt, tính rất nóng, có ít độc.
Qui kinh: Vào kinh vị.
Tác dụng của bạch phụ tử: Khử đờm, chỉ thống, đồng thời có tác dụng khu phong, trừ thấp.
Chủ trị: Trúng phong đàm nghẹt, miệng méo, mắt xếch, đau nhức bên đầu, phá thương phong.
Liều dùng: Dùng từ 4-12g.
Kiêng kỵ: Âm hư nội nhiệt không phải hàn chứng cấm dùng.
Ðơn thuốc:
1. Chữa trúng phong liệt nửa người: Bạch phụ tử, Tằm gió, Bò cạp (Toàn yết) với lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g với rượu, ngày uống 3 lần.
2. Chữa trẻ cấp kinh sốt cao co giật, co cứng: Bạch phụ tử, Nam tinh chế với Mật bò, Toàn yết,Tằm gió, Câu đằng, Phấn nứa, Bạch đàn, mỗi vị 4g sắc uống.
3. Chữa tim đau do máu ứ nguy cấp: Bạch phụ tử, Nhục quế, Đương quy đều 6g, sắc uống liên tục.