Cốt Khí Củ
(Reynoutrua japonica Houtt)
Tên khác: Hoạt huyết đan, tử kim long, ban trượng căn, hổ trượng căn, điền thất (miền nam).
Tên khoa học: Reynoutrua japonica Houtt. Polygonum cuspidatum Sieb et Zucc. Polygonum reyoutria Makino.Thuộc họ rau răm Polygonaceae.
Mô tả cây thuốc:
Cây thuốc Cốt khí là một loại cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0,5-1m nhưng đặc biệt có nơi cao tới 2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thăt nhon, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hơi dẹp lại, mép nguyên, dài 5-12cm, rộng 3,5-8cm, mặt trên màu xanh nâu đậm mặt dưới màu nhạt hơn.Cuống dài 1-3cm, bẹ chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ. Cánh hoa màu trắng, hoa khác gốc, hoa đực có 8 nhị hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô, 3 cạnh, màu nâu đỏ.
Phân bổ, thu hái và chế biến:
– Mọc hoang ở đồi núi hoặc đường. Miền đồng bằng có mọc và được trồng để lấy củ làm thuốc. Trồng bằng củ, rất dễ mọc. Còn thấy ở Trung Quốc (Giang Tô, Triết Giang).
– Trồng thử ở đồng bằng, chúng tôi thấy cây ra hoa vào các tháng 8-9, ra quả vào các tháng 9-10. Thường người ta ít chú ý vì hoa quả rất nhỏ cho nên ít người trông thấy nên thường người ta nói cây này không có hoa.
– Mùa thu hoạch quanh năm, nhưng tôt nhất vào mùa the (tháng 8-9), có nơi thu hái vào các tháng 2-3. Đào về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cắt thành từng mẩu ngắn dài không đều hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô. Vị thuốc dài ngắn không đều thường dài 1-8cm, đường kính 0,6-2cm, mặt ngoài màu nâu vàng, khi bẻ hay cắt ngang có màu vàng, mùi không rõ, vị hơi đắng.
Bộ phận dùng: Rễ phơi hay sấy khô của cây Cốt khí củ
Thành phần hoá học:
Trong rễ cây này có antraglucozit chủ yêu là emodin hay rheum emodin C16H12O5′ dưới dạng tự do và kết hợp. Ngoài ra còn có chất polygonin C12H20O10 và tanin.
Tác dụng của Cốt khí củ:
– Trong nhân dân Việt Nam củ cốt khí là một vị thuốc dùng chữa tê thấp do bị ngã, bị thương mà tổn thương đau đớn, còn là một vị thuốc thu liễm cầm máu.
– Theo tính chất ghi trong tài liệu cổ thì vị thuốc có tác dụng lợi tiểu, thông kinh giảm đau giảm độc, dùng cho những người bị kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, do bị ngã bị thương mà đau đớn, đẻ xong huyết ứ, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn.
Liều dùng: Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu cùng nhiều vị thuốc khác mà uống.
Bài thuốc có Dược liệu sạch Cốt khí củ:
1. Phong thấp, viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ đau nhức: Củ cốt khí, Gối hạc, lá Bìm bìm, Mộc thông, mỗi vị 15-20g sắc uống.
2. Viêm gan cấp tính, sưng gan: Cốt khí củ, Lá móng, Chút chít, mỗi vị 15-20g sắc uống. Hoặc dùng Cốt khí với Nhân trần, mỗi vị 30g, sắc uống.
3. Thương tích, ứ máu, đau bụng: Cốt khí củ 20g, Lá móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia 2 lần uống trong ngày.
Chú ý: Khi dùng phải sao kỹ để giảm bớt anthranoid, nếu dùng sống dễ bị tiêu chảy.