Cao huyết áp là gì? Nguyên nhân và triệu chứng bệnh cao huyết áp. Cách chữa bệnh cao huyết áp và phòng ngừa biến chứng huyết áp cao. Bị cao huyết áp kiêng ăn uống gì? Những thực phẩm, đồ uống tốt cho người cao huyết áp. Bệnh cao huyết áp ở người già, phụ nữ mang thai có nguy hiểm không? Hình ảnh bệnh cao huyết áp
Khái niệm cao huyết áp
Cao huyết áp đang trở thành căn bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất thế giới.
Cao huyết áp là gì?
Bệnh cao huyết áp là căn bệnh phổ biến ở người già, người béo phì, thừa cân hoặc người mắc một số bệnh lý như tiểu đường, mỡ máu cao… Tăng huyết áp còn gọi là tăng xông. Cao huyết áp xảy ra khi áp lực tác động lên thành mạch quá cao khiến tim phải hoạt động tối đa để đáp ứng nhu cầu đưa máu đi nuôi cơ thể.
Huyết áp thường được phân loại dựa trên huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu). Huyết áp tâm thu là áp lực máu trong lòng mạch trong khi tim đập. Huyết áp tâm trương là áp lực máu trong khoảng thời gian giữa hai lần đập của tim. Khi huyết áp tâm thu hay tâm trương cao hơn giá trị bình thường tính theo tuổi thì được phân loại là tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp.
Phân loại cao huyết áp
Phân loại | Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương | ||
---|---|---|---|---|
mmHg | kPa | mmHg | kPa | |
Bình thường | 90 – 119 | 12 – 15.9 | 60 – 79 | 8.0 – 10.5 |
Tiền tăng huyết áp | 120 – 139 | 16.0 – 18.5 | 80 – 89 | 10.7 – 11.9 |
Giai đoạn 1 | 140 – 159 | 18.7 – 21.2 | 90 – 99 | 12.0 – 13.2 |
Giai đoạn 2 | ≥160 | ≥21.3 | ≥100 | ≥13.3 |
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc | ≥140 | ≥18.7 | <90 | <12.0 |
Nguồn: Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (2003). |
Tăng huyết áp được chia thành các phân loại như tăng huyết áp giai đoạn I, tăng huyết áp giai đoạn II, và tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là khi huyết áp tâm thu tăng đi kèm với huyết áp tâm trương bình thường ở người lớn. Cơ sở phân loại tăng huyết áp được thực hiện dựa vào con số huyết áp trung bình lúc nghỉ của bệnh nhân được lấy sau hai hay nhiều lần đo bất kỳ.
- Mức huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Trong đó 120 là con số biểu thị cho huyết áp tâm thu. 80 là con số biểu thị cho huyết áp tâm trương.
- Khi mức huyết áp của bạn lớn hơn 120/80 đến 139/89 thì được gọi là tiền tăng huyết áp (bạn có nguy cơ cao bị tăng huyết áp), huyết áp từ 140/90 trở lên được gọi là cao huyết áp.
- Tuy nhiên, một người được xem như bị bệnh tăng xông nếu huyết áp lớn hơn 140/90 mmHg.
Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?
Ảnh hưởng của tăng huyết áp trong thai kỳ
Phụ nữ khi mang thai có nhiều sự thay đổi về sinh lý. Nhiều bộ phận của cơ thể tăng sinh máu, lượng máu tăng dần, nhịp tim nhanh. Trong giai đoạn này bà bầu cần lượng máu nhiều hơn để cung cấp cho cơ thể. Bởi vậy việc theo dõi huyết áp là rất cần thiết. Đặc biệt khi thai nhi từ 20 tuần tuổi, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
- Đối với thai phụ: Phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp kèm với bệnh tim có thể dẫn đến suy tim. Ngoài ra, chức năng của thận cũng hạn chế hơn. Nặng hơn có thể khiến tiểu cầu cạn kiệt, máu không đông, gan bị tổn thương đáng kể. Ảnh hưởng lớn nhất là việc tác động của nó lên hệ tim mạch. Từ đó dẫn đến hiện tượng tiền sản giật và tăng nguy cơ tử vong.
- Đối với thai nhi: Người mẹ bị huyết áp cao sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi. Một số hiện tượng như thai chết lưu, ngạt thở, đẻ thiếu tháng hoặc tử vong do thiếu máu cục bộ.
Thai phụ bị tăng huyết áp nên làm gì?
Phụ nữ bị huyết áp cao nên khám thai định kỳ
Biểu hiện của cao huyết áp ở mỗi đối tượng là khác nhau. Không phải ai tăng huyết áp cũng có những dấu hiệu bên ngoài. Nhiều trường hợp cần kiểm tra huyết áp mới phát hiện được. Bởi vậy trong giai đoạn mang thai phụ nữ cần tiến hành khám thai đầy đủ, đo huyết áp thường xuyên. Khi phát hiện những triệu chứng nghi cao huyết áp nên tiến hành đi khám lại để có kết quả chính xác.
Đề phòng cao huyết áp ở thời kỳ hậu sản và cho con bú
Cao huyết áp không chỉ xuất hiện trong giai đoạn mang thai mà hiện tượng này còn xảy ra sau sinh rất phổ biến. Trường hợp này có thể sử dụng lại phác đồ điều trị như trước khi mang thai. Chú ý với phụ nữ đang cho con bú không được dùng thuốc lợi tiểu.
Hầu hết các thuốc hạ huyết áp đều an toàn với phụ nữ cho con bú, chỉ có các thuốc như doxazosin, amlodipine và nhóm ức chế men chuyển là chưa có dữ liệu về độ an toàn. Với những phụ nữ đã trải qua thời kỳ sinh nở mà không bị tăng huyết áp thì sẽ ít bị nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những phụ nữ không sinh đẻ. Việc sinh đẻ cũng khiến phụ nữ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau này, điều mà nam giới không thể có được.
Tiền sản giật và sản giật
Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén và gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Trước đây người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào ba triệu chứng: Tăng huyết áp, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng chỉ cần có tăng huyết áp thai nghén kèm với protein niệu nhiều là đủ để chẩn đoán tiền sản giật. Đây là nguyên nhân của việc thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung và đẻ non.
Cao huyết áp ảnh hưởng khá nhiều đến phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh sau này. Bởi vậy, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp dự phòng được sự phát triển của bệnh. Theo dõi huyết áp giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con, đồng thời hạn chế tỷ lệ tử vong với trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai cần theo dõi những biến đổi của cơ thể, đặc biệt là huyết áp. Khi phát hiện dấu hiệu của tăng huyết áp cần đến bệnh viện chuyên về tim mạch, sản khoa để có hướng điều trị phù hợp.
Tại sao người già mắc huyết áp cao thường dẫn đến bại liệt và dễ tử vong?
Tuổi càng cao thì tỷ lệ bị cao huyết áp càng lớn. Bởi vậy cao huyết áp đang trở thành một nỗi ám ảnh đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người già.
Cao huyết áp ở người già thường phổ biến do khi bước vào tuổi trung niên trở đi động mạch bị lão hóa và giảm tính đàn hồi. Bởi vậy động mạch cứng hơn nên tăng tích lũy mỡ dẫn đến xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác dẫn đến tăng huyết áp ờ người già như:
- Chế độ ăn uống
- Trạng thái thần kinh
- Môi trường sống
- Nhiều bệnh lý kết hợp (gout, tiểu đường…)
Theo nhiều nghiên cứu, những người già bị cao huyết áp có nguy cơ tai biến mạch máu não gấp 4 lần so với người huyết áp bình thường. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến do xuất huyết não hay nhồi máu não. Điều này khiến việc cung cấp máu lên não bị ngừng trệ. Từ đó người bệnh bị thiếu máu cục bộ tại não. Đồng thời xuất hiện nhiều biểu hiện của bệnh tai biến mạch máu não.
Trường hợp này xảy ra với người già vô cùng nguy hiểm và dễ dẫn đến tử vong. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Người bệnh có thể qua khỏi nhưng để lại nhiều di chứng như:
- Liệt nửa người, liệt tay chân
- Nói ngọng, méo miệng
- Không kiểm soát được hoạt động (ăn uống rơi vãi, không tự vệ sinh cá nhân…)
- Suy giảm hoặc mất trí nhớ
- Bại não
- Người bệnh sống thực vật…
Nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tăng huyết áp. Mỗi triệu chứng bệnh lại có những nguyên nhân khác nhau.
Cân nặng ảnh hưởng đến huyết áp
Theo nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra những người thứa cân, béo phì thì nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn so với người có trọng lượng cân đối. Người có cân nặng lớn cần lượng máu lớn để cung cấp đủ năng lượng và oxy. Bởi vậy nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp do sự tăng dịch cơ thể với những người béo phì, thừa cân.
Tuổi tác là nguyên nhân chính của bệnh tăng xông
Người trung niên và người già là những đối tượng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Theo thống kê cho thấy, người có tuổi càng cao thì càng có nguy cơ bị huyết áp lớn. Đặc biệt, người cao tuổi thường bị cao huyết áp ở dạng tăng huyết áp tâm thu.
Hút thuốc, uống rượu bia là nguyên nhân phổ biến tăng huyết áp
Theo nghiên cứu, hút thuốc lá khiến huyết áp tăng đột biến. Người sử dụng thuốc lá thường xuyên có thể tăng huyết áp tâm thu đến hơn 4 mmHg. Chất nicotin trong thuốc lá kích thích hệ thần kinh sản xuất ta chất làm co mạch máu. Theo đó làm huyết áp tăng cao.
Chất cồn trong rượu bia có tác động tiêu cực đến huyết áp. Cơ thể cứ tiếp nhận 10g cồn thì huyết áp tăng lên khoảng 1 mmHg. Nếu sử dụng rượu bia trong thời gian dài thì huyết áp cao có thể diễn tiến thành mạn tính.
Chế độ ăn uống giàu chất béo khiến huyết áp tăng cao
Chế độ ăn giàu chất béo làm tăng lượng cholesterol hấp thụ vào cơ thể. Lượng cholesterol cao là nguyên nhân chính gây xơ vữa, tăng nguy cơ cao huyết áp.
Ăn quá mặn liên quan trực tiếp đến bệnh cao huyết áp
Ăn quá nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của natri vào màng tế bào. Hàm lượng ion natri cao chuyển vào tế bào cơ trơn của mạch máu. Theo đó, lượng nước trong tế bào nhiều làm tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp.
Một số nguyên nhân khác dẫn đến huyết áp cao
Lười vận động tăng nguy cơ cao huyết áp
Những người lười vận động thường có nhịp tim nhanh, khiến động mạch hoạt động nhiều hơn. Không những thế, đây còn là nhóm người có nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì cao. 3 tình trạng trên góp phần không nhỏ làm huyết áp tăng cao.
Cao huyết áp có thể do di truyền
Nếu người trong gia đình bạn có tiểu sử bị cao huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Một số bệnh có ảnh hưởng đến huyết áp
Bên cạnh đó, nhóm người mắc các bệnh như mỡ máu cao, tiểu đường hay gan nhiễm mỡ… cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp.
Triệu chứng của bệnh cao huyết áp
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì có đến 33% những người bệnh cao huyết áp không biết mình bị tăng huyết áp. Một phần là do bệnh không có triệu chứng cụ thể, một phần là do mỗi người có 1 triệu chứng bệnh khác nhau, nên để phát hiện sớm nhất bệnh này bạn cần đến bác sỹ khám.
Thông thường các triệu chứng của cao huyết áp thường không biểu hiện ra bên ngoài. Bởi vậy người bệnh thường chủ quan không khám bệnh định kỳ. Khi bệnh có chuyển biến nặng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sẽ khó chữa.
Một số triệu chứng của cao huyết áp được thể hiện ra bên ngoài như:
- Hoa mắt chóng mặt
- Đau đầu dữ dội
- Mệt mỏi
- Đau ngực
- Nôn ói
- Tiểu máu
- Có vấn đề về thị giác
- Các vấn đề về hô hấp
Người bệnh nên theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể để chữa trị kịp thời.
Biến chứng của cao huyết áp
Tăng huyết áp gây ra những biến chứng vô cùng nặng nề nếu không được kiểm soát kịp thời. Việc phòng ngừa và điều trị ổn định giúp nâng cao chất lượng của bệnh nhân. Một số bệnh lý nguy hiểm là biến chứng của cao huyết áp như:
Biến chứng tim mạch của tăng huyết áp
Cao huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim
Huyết áp cao nếu lâu ngày không được chữa trị dễ làm hư lớp nội mạc của mạch vành. Đây là nguyên nhân khiến các phân tử cholesterol tỷ trọng thấp dễ dàng di chuyển vào nội mạc của mạch vành. Từ đó gây nên các bệnh như xơ vữa động mạch, hẹp mạch vành.
Khi mảng động mạch xơ vữa bị nứt, vỡ trong động mạch vành, hình thành nên huyết khối. Huyết khối không tan làm tắc động mạch vành, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Phì đại cơ tim do tăng huyết áp
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp. Cơ tim phì đại làm khả năng bơm máu của tim giảm. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến tim ngừng đập hoặc suy tim.
Biến chứng tăng huyết áp ở mắt
Nhiều trường hợp bệnh nhân gặp nhiều biến chứng nặng nề ở mắt, thậm chí mù lòa vì huyết áp cao. Trong quá trình xơ cứng thành mạch diễn ra bởi tăng huyết áp khiến tĩnh mạch bị đè bẹp.
Khi mạch máu bị ngăn cản khiến thị giác của người bệnh suy giảm theo. Người bệnh có biểu hiện mờ mắt, thị giác ngày càng kém hơn hoặc có thể gây hỏng mắt nghiêm trọng. Biến chứng này gây khó khăn cho người bệnh trong việc sinh hoạt.
Biến chứng về não của huyết áp cao
Một số bệnh như xuất huyết não, thiếu máu não hay nhũn não có thể xảy ra nếu không có cách quan tâm đến huyết áp. Cao huyết áp ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ và gây hậu quả nghiêm trọng.
- Xuất huyết não: Trường hợp người bệnh bị xuất huyết não rất dễ gây tử vong, bệnh nhẹ có thể khiến người bệnh liệt nửa người. Áp lực dồn lên mạch máu khiến chúng bị vỡ và ảnh hưởng nặng nề đến bệnh nhân.
- Nhũn não: Huyết áp cao khiến mạch máu hẹp lại. Các mảng xơ vữa hình thành huyết khối gây tắc động mạch. Từ đó làm chết một vùng não, gọi là nhũn não.
- Thiếu máu não: Là tình trạng lượng máu bơm lên não không đủ.
Biến chứng thận của tăng huyết áp
Ngoài tim, não thì thận cũng là một bộ phận bị ảnh hưởng khi biến chứng cao huyết áp ở giai đoạn nặng. Khi tăng huyết áp khiến lớp màng lọc tế bào bị tác động. Khi bộ phận này không hát huy được tác dụng sẽ khiến bệnh nhân thải ra protein trực tiếp qua đường nước tiểu. Tình trạng này về lâu dài sẽ gây ra suy thận.
Biến chứng tăng huyết áp đối với mạch ngoại vi
- Huyết áp cao khiến động mạch chủ phình to. Nếu nặng hơn có thể bóc tách và vỡ thành mạch, gây tử vong.
- Động mạch chậu, động mạch đùi và động mạch chân cũng bị hẹp do tăng huyết áp.
Xem thêm:
Cách điều trị cao huyết áp hiệu quả
Hiện nay người bệnh có thể giúp huyết áp ổn định nhờ một số loại thuốc hỗ trợ. Tuy nhiên các bác sỹ và các chuyên gia khuyên người bị cao huyết áp nên giữ huyết áp ổn định bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện.
Một số loại thuốc Tây trị bệnh huyết áp cao
Nhóm thuốc lợi tiểu trị cao huyết áp
Gồm có hydroclorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren… Cơ chế của thuốc là làm giảm sự ứ nước trong cơ thể, tức làm giảm sức cản của mạch ngoại vi đưa đến làm hạ huyết áp. Dùng đơn độc khi bị cao huyết áp nhẹ, dùng phối hợp với thuốc khác khi bệnh cao huyếp áp nặng thêm.
Kiềm chế tăng huyết áp bằng thuốc tác động lên thần kinh trung ương
Gồm có reserpin, methyldopa, clonidin… Cơ chế của thuốc là hoạt hóa một số tế bào thần kinh gây hạ huyết áp. Hiện nay ít dùng do tác dụng phụ gây trầm cảm, khi ngừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng vọt huyết áp.
Nhóm thuốc chẹn beta ổn định huyết áp
Gồm có propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol… Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta-giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc dùng thuốc cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực hoặc nhức nửa đầu. Chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm.
Chữa huyết áp cao bằng nhóm thuốc đối kháng canxi
Gồm có nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem… Cơ chế của thuốc là chặn dòng ion canxi không cho đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp. Dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển cao huyết áp
Gồm có captopril, enalapril, benazepril, lisinopril…, cơ chế của thuốc là ức chế một enzyme có tên là men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme, viết tắt ACE). Chính nhờ men chuyển angiotensic xúc tác mà chất sinh học angiotensin I biến thành angiotensin II và chính chất sau này gây co thắt mạch làm tăng huyết áp (THA). Nếu men chuyển ACE bị thuốc ức chế tức làm cho không hoạt động được sẽ không sinh ra angiotensin II, sẽ có hiện tượng giãn mạch và làm hạ huyết áp.
Chú ý khi sử dụng thuốc:
- Là thuốc được chọn khi người bị kèm hen suyễn (chống chỉ định với chẹn beta), đái tháo đường (lợi tiểu, chẹn beta).
- Tác dụng phụ: làm tăng kali huyết và gây ho khan.
Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II
Thuốc đầu tiên được dùng là losartan, sau đó là các thuốc irbesartan, candesartan, valsartan. Nhóm thuốc mới này có tác dụng hạ huyết áp, đưa huyết áp về trị số bình thường tương đương với các thuốc nhóm đối kháng calci, chẹn beta, ức chế men chuyển. Đặc biệt, tác dụng hạ huyết áp của chúng tốt hơn nếu phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid.
Lợi điểm của thuốc nhóm này là do không trực tiếp ức chế men chuyển nên gần như không gây ho khan như nhóm ức chế men chuyển hay không gây phù như thuốc đối kháng canxi.
Lưu ý khi sử dụng thuốc:
- Tác dụng phụ có thể gặp là gây chóng mặt, hoặc rất hiếm là gây tiêu chảy.
- Chống chỉ định của thuốc là không dùng cho phụ nữ có thai hoặc người bị dị ứng với thuốc.
Chữa cao huyết áp bằng thuốc Nam hiệu quả
So với điều trị Tây y thì các loại thuốc Nam thường được người dùng tin tưởng vì lành tính và không gây tác dụng phụ. Y học cổ truyền đánh giá cao nhiều thảo dược có tác dụng tốt trong việc ổn định huyết áp.
Hoa hoè cây hạ huyết áp hữu hiệu
Công dụng của hoa hoè với bệnh huyết áp cao
Tại Việt Nam hoa hòe được dùng để uống, giải nhiệt và phòng bệnh tim hiệu quả. Theo Đông y, hoa hòe có vị đắng, tình lạnh nhưng trầm. Sử dụng hoa hòe không chỉ có tác dụng giúp hạ huyết áp mà còn có nhiều lợi ích trong việc điều trị xơ vữa động mạch hoặc các biến chứng của tai biến mạch máu não. Nhờ chứa hàm lượng rutin lớn, đây là chất giúp hạn chế sự tập trung của tiểu cầu. Công dụng giúp lưu thông máu ổn định và làm máu loãng, ổn định thành mạch nhờ đó rutin làm hạ huyết áp hiệu quả.
Cách dùng hoa hoè trong điều trị huyết áp cao
Chọn hoa hoè làm thuốc trị chứng cao huyết áp cần chọn nụ non (tức hoa còn chưa nở). Bởi đây là thời điểm lượng rutin trong hoa lớn nhất. Sau khi hái nụ hoè hoa về, đem phơi khô và để sử dụng dần. Bạn có thể mua hoè hoa tại các hiệu thuốc Đông y.
- 10g hoè hoa;
- 5g ngó sen;
- 10g lá sen;
- 4g cúc hoa vàng;
Cho các vị thuốc nói trên đem sắc với 400ml đến khi còn 100ml. Chia làm 2 phần uống trong ngày. Mỗi lần điều trị uống khoảng 7 đến 10 ngày. Sau đó nên nghỉ khoảng 1 tuần rồi uống trở lại, nên dừng nếu thấy huyết áp đã ổn định.
Điều trị huyết áp cao với cúc bách nhật
Cúc bách nhật cũng được nhắc đến như một trong những cây thuốc Nam quý chữa cao huyết áp. Theo Y học cổ truyền, cây nở ngày có vị ngọt, được dùng để trị ho, viêm phế quản và cả cao huyết áp.
Cách dùng bài thuốc trị cao huyết áp với bách nhật cúc:
- 15g bách nhật cúc;
- 15g cúc hoa;
- 10g thạch hộc;
- 30g hạ khô thảo;
- 10g bạch môn;
- 10g lá dâu;
Đem tất cả sắc 3 bát nước lấy 1 và uống làm 1 lần trong ngày. Mỗi đợt dùng khoảng 7 đến 10 ngày. Người bệnh nên đo huyết áp thường xuyên, sau 7 – 10 ngày, nếu thấy huyết áp ổn định thì nên dừng thuốc.
Điều trị huyết áp cao bằng thuốc Nam với hạ khô thảo
Hạ khô thảo mọc nhiều ở một số vùng núi như Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn… của Việt Nam. Theo Đông y, cây có vị đắng và cay, tính lạnh. Cây có tác dụng thanh nhiệt, thanh huyết và làm sáng mắt. Do vậy, đây là vị thuốc thường được dùng trong hạ huyết áp.
Cách dùng hạ khô thảo trị huyết áp tăng:
+ Cách 1: 40g hạ khô thảo đem rửa sạch và phơi khô, sau đó sắc với khoảng 2 lít nước đến khi còn 1 lít, chia làm 2 lần để uống sau bữa cơm mỗi ngày.
+ Cách 2:
- 20g hạ khô thảo;
- 20g hạt muồng ngủ sao;
- 20g bồ công anh;
- 12g cúc hoa;
- 12g lá mã đề;
Đem tất cả sắc 3 bát nước lấy 1 và uống trong ngày. Lưu ý khi sử dụng thuốc Nam điều trị cao huyết áp nên hỏi ý kiến bác sỹ để kịp thời theo dõi khi có bất thường xảy ra.
Phương pháp ổn định huyết áp không cần dùng thuốc
Bài tập giúp ổn định huyết áp
Tập thể dục là cách ổn định huyết áp, ngừa biến chứng hiệu quả. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người huyết áp cao nên tập thể dục ít nhất 30 – 45 phút mỗi ngày. Tập đều đặn 7 ngày một tuần để nâng cao sức đề kháng, lưu thông mạch máu, ổn định huyết áp.
Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên tập vừa sức, áp dụng những bài tập phù hợp. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia thể chất để tránh tình trạng đột quỵ do tập luyện quá sức.
Bài tập tăng cường thể lực cho người tăng huyết áp
Các bài tập thể lực vừa giúp bạn tăng sức bền vừa hỗ trợ cho hoạt động của tim mạch. Một nghiên cứu gần đây cho thấy bài tập thể lực giúp người cao huyết áp giảm huyết áp tâm thu đi 11 điểm và giảm huyết áp tâm trương đi 9 điểm.
Tuy nhiên người bệnh cao huyết áp không cần phải tập với cường độ cao để đạt được kết quả. Thay vào đó, các bác sỹ khuyên người bệnh cao huyết áp nên tập luyện thể lực ở mức độ vừa phải. Một số hoạt động đơn giản như đạp xe, bơi lội, khiêu vũ, đi bộ… cũng giúp bạn cải thiện huyết áp và tăng cường sức khỏe rất tốt.
Người tăng huyết áp tập luyện với tạ
Việc tập tạ với cường độ trung bình được đánh gia tốt cho sức khỏe của bệnh nhân tăng huyết áp, duy trì ổn định huyết áp thông thường. Ngoài ra, bài tập với tạ còn giúp tăng cường thể lực rất tốt. Chúng ta không nên định kiến rằng những bài tập tạ sẽ không phù hợp với những ai cao huyết áp.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh chương trình tập ít nhất 2 buổi mỗi tuần sẽ không khiến cơ thể bạn trở nên gồ ghề, vạm vỡ mà chỉ giúp các nhóm cơ khỏe hơn và tăng cường trao đổi chất. Việc tập có thể tiến hành tại nhà hoặc các phòng tập. Người bệnh chú ý không được tập quá sức, lựa chọn bài tập phù hợp với mình theo ý kiến của chuyên gia thể chất. Tập tạ thường xuyên giúp bạn sống khỏe, sống vui và ngăn ngừa cao huyết áp tái phát.
Bài tập với cơ thể cố định giúp ổn định huyết áp
Nhóm bài tập này tập trung vào việc cố định và siết nhóm cơ thay vì phải di chuyển nhiều như khi tập tạ. Bài tập theo kiểu này giúp ổn định huyết áp rất hiệu quả. Theo thống kê, chỉ riêng động tác siết bàn tay và cơ cổ tay đã có thể khiến huyết áp tâm thu của bạn giảm đi 10 điểm.
Bài tập tiêu biểu cho nhóm này đó là:
- Plank (bài tập giữ im tư thế chống đẩy bằng khủyu tay như một khúc gỗ)
- Siết cơ tay với thiết bị hỗ trợ
Hãy dành 15 – 20 phút mỗi ngày cho một lần tập để đạt được hiệu quả tối đa. Với bài tập đơn giản siết cơ tay cũng phù hợp với người già nên được nhiều người lựa chọn.
Bài tập giúp thư giãn, tĩnh tâm cho người bệnh cao huyết áp
Những bài tập giúp thư giãn đầu óc, cân bằng trạng thái cơ thể như thái cực quyền, dưỡng sinh, thiền định… phù hợp với người cao huyết áp. Đây được coi là biện pháp giúp phòng ngừa cao huyết áp hiệu quả. Tuy không trực tiếp tác động giúp ổn định huyết áp nhưng bài tập thư giãn giúp tinh thần chúng ta luôn sảng khoái, thư thái. Đây chính là cơ sở giúp hạn chế căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hiện đại, một nguy cơ có thể dẫn đến cao huyết áp.
Bạn có thể tìm gặp các chuyên gia về thiền định hay dưỡng sinh để được hướng dẫn cụ thể, tập luyện ngay tại nhà. Những bài tập giúp thư giãn này yêu cầu sự kiên trì và môi trường tập luyện phù hợp.
Xem thêm: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị bệnh huyết áp cao – Báo Sức khỏe & Đời sống
Kiểm soát cân nặng đồng nghĩa với kiểm soát huyết áp cao
Béo phì là một trong những nguyên nhân khiến bệnh huyết áp cao diễn tiến nhanh. Từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê, nếu cơ thể tăng 5 – 10 kg thì nguy cơ huyết áp tăng cao nhân lên gấp đôi.
Ngược lại, những người thừa cân, béo phì nếu hạ được 10 kg thì huyết áp tâm thu giảm từ 5 -10 mmHg. Bởi vậy, kiểm soát cân nặng có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định huyết áp, phòng chống biến chứng của bệnh.
Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý cho người huyết áp cao
Cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý cho người huyết áp cao. Đây là các ngừa biến chứng tăng huyết áp đơn giản, hiệu quả.
Những nhóm thực phẩm người huyết áp cao nên tránh:
- Hạn chế thực phẩm chiên xào, chứa nhiều chất béo bão hòa. Tiêu biểu như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà hay nước xương hầm.
- Kiêng ăn thực phẩm ngọt: Bánh, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây nhiều đường như mít, vải tươi, nhãn.
- Thịt bò, dê, cừu là thực phẩm dễ làm tăng lượng cholesterol trong máu. Ăn nhiều thực phẩm này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Các chất kích thích: Rượu, bia, cà phê làm hưng phấn tinh thần, gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim.
Thực phẩm phòng ngừa biến chứng tăng huyết áp:
- Rau xanh và trái cây có chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh. Đặc biệt, vitamin có vai trò quan trọng quan trong phòng bệnh huyết áp cao. Ví dụ như vitamin C giúp làm giảm cholesterol, tăng tính đàn hồi cho mạch máu. Kali làm giảm áp lực của muối lên thành mạch…
- Nên ăn dầu oliu, đậu nành, hướng dương thay cho mỡ, dầu dừa.
- Ăn thức ăn luộc thay vì chiên xào.
Người huyết áp cao nên hạn chế dùng muối
Sử dụng nhiều muối có tác động tiêu cực đối với người bệnh huyết áp cao. Muối làm tăng hoạt động của rein angiotensin khiến lượng natri hấp thu vào ống thận lớn. Từ đó gây co thắt mạch khiến huyết áp tăng. Bởi vậy, người chỉ nên ăn 2 – 3g muối mỗi ngày.
Chữa bệnh cao huyết áp bằng tỏi
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, tỏi chứa hàm lượng lớn allicin. Đây là chất thường có trong thuốc hạ huyết áp. Việc ăn sống tỏi mang lại lượng lớn allicin vào cơ thể. Điều này giúp ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị huyết áp cao hiệu quả.
Sau khi ăn cơm lấy 1 – 1.5g tỏi (tương đương 1 tép tỏi) và nhai kỹ. Đây là biện pháp đơn giản giúp người bệnh ổn định huyết áp của mình. Nếu người bệnh đang dùng thuốc Tây nên ăn tỏi trước hoặc sau khi uống 60 phút.
Người cao huyết áp nên ăn gì?
Với người bệnh bị huyết áp cao, chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng. Khẩu phần ăn của người bị tăng huyết áp nên giảm các thực phẩm chứa chất béo, natri, hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia.
Những thực phẩm giàu kali, canxi, magiê được các chuyên gia khuyên dùng cho người bệnh cao huyết áp. Ngoài ra nên bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc vào thực đơn ăn hằng ngày.
Các loại rau củ cần thiết cho người cao huyết áp
Những loại rau củ giúp trung hòa natri trong cơ thể. Điều này cho phép cơ thể loại bỏ được natri trong thận thông qua đường nước tiểu, vì vậy mà huyết áp sẽ hạ.
Các loại rau có màu xanh như rau diếp, rau xà lách, rau cải xoăn, củ cải xanh, cải rổ, rau chân vịt đều là những loại rau rất giàu kali. Không nên chọn các loại rau củ bị thối, úa hay loại đóng hộp không rõ nguồn gốc.
Những loại quả mọng tốt cho người tăng huyết áp
Các loại quả mọng, đặc biệt là việt quất dồi dào một hợp chất tự nhiên có tên là flavonoids. Một nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ hợp chất flavonoids có thể ngăn ngừa huyết áp cao và hạ huyết áp.
Các loại quả mọng như quả mâm xôi, quả dâu tây không khó tìm mua để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Trong tủ lạnh nhà bạn nên chuẩn bị những loại quả mọng này và sử dụng các loại quả này làm món tráng miệng dễ ăn, giàu dinh dưỡng cho cả gia đình
Người cao huyết áp nên ăn khoai tây
Trong thành phần của khoai tây có chứa hai loại khoáng chất là kali và magiê giúp hạ huyết áp. Đồng thời, trong khoai tây giàu chất xơ rất cần thiết trong khẩu phần mỗi bữa ăn của gia đình bạn.
Củ cải đường (củ dền) tốt cho người huyết áp cao
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sức khỏe của những người mắc bệnh cao huyết áp đều được cải thiện đáng kể sau khi uống nước ép từ củ cải đường. Ngoài ra, thành phần nitrat trong nước ép từ củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp chỉ trong 24 giờ.
Củ cải đường có thể ép ra làm nước uống hoặc luộc chín để ăn. Tuy nhiên cần chú ý vì màu sắc của củ cải đường là đỏ đậm nên dễ bám lên tay, quần áo.
Mắc cao huyết áp nên uống sữa không đường
Các loại sữa không đường là một nguồn dinh dưỡng vô cùng tuyệt vời trong việc cung cấp canxi, ít chất béo rất cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta, đều rất hữu ích trong hạ huyết áp.
Thay vì ăn các loại sữa có hàm lượng chất béo cao thì bạn nên ăn những loại sữa ít chất béo như các loại sữa chua.
Cháo bột yến mạch bổ sung cho người bệnh cao huyết áp
Là loại thực phẩm giàu chất xơ, hàm lượng chất béo và natri thấp, và rất rẻ nên cháo bột yến mạch được xem là một trong những loại thực phẩm rất phổ biến đối với những người huyết áp cao.
Nên ăn cháo yến mạch vào buổi sáng vì đây là loại thực phẩm bổ sung năng lượng cho cả ngày dài bên cạnh tác dụng chữa cao huyết áp. Không nên bỏ thêm đường vào cháo bột yến mạch mà nên ăn kèm với các loại trái cây tươi.
Xem thêm: