Cây hồ tiêu cho quả hồ tiêu (hạt tiêu) dùng làm gia vị rất phổ biến. Hạt tiêu còn có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa đau bụng đột ngột, lạnh tay chân…
Tên khoa học: Piper Nigrum.
Cây hồ tiêu cho quả hồ tiêu (hạt tiêu) dùng làm gia vị rất phổ biến. Bên cạnh đó, trong đông y cũng đã sử dụng hồ tiêu để làm thuốc từ lâu đời.
Hạt tiêu có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa đau bụng đột ngột, lạnh tay chân, nôn mửa, thổ tả, suyễn, sát trùng, tiêu độc… Dùng chữa cảm hàn, vừa làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài, vừa làm ấm bụng tăng sức ấm nóng bên trong.
Thành phần hóa học:
Tinh dầu (1,2-3,5%) gồm các terpen (phellandren, pinen, limonen) nên có mùi thơm và vị dịu. Alcaloid (2-5%) thành phần chính là piperin (5-8%).
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy:
Dùng liều nhỏ tăng dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa ăn ngon, nhưng liều lớn kích thích niêm mạc dạ dày gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt viêm đường tiểu, đái ra máu.
Piperin và piperidin gây độc ở liều cao, piperidin làm tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số dây thần kinh (50mg/kg cân nặng). Piperin tiêm bắp cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít hơi với liều cao thì sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tượng thở nhanh lên chân sau tê liệt rồi mê hoàn toàn, co quắp, chết do ngừng thở. Giải phẩu thi thể, các phủ tạng đều có hiện tượng xuất huyết.
Hồ tiêu có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi Hồ tiêu đuổi sâu bọ nên được dùng để bảo vệ quần áo len khỏi bị sâu cắn.
Ankaloit Hồ tiêu có tác dụng an thần đối với chuột nhắt rõ rệt.
Theo đông y:
Theo y học cổ truyền, tiêu có vị cay, tính nóng, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ấm bụng, giảm đau, chống nôn. Hạt tiêu đen được dùng chữa cảm hàn do nó làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài và làm ấm bụng, tăng sức nóng ở trong. Còn tiêu sọ (tiêu trắng) chuyên trị tiêu chảy, thổ tả, có tác dụng sát vi khuẩn.
Ở Trung Quốc, hạt tiêu được chế thành cao dán để chữa hen.
Người Ấn Độ dùng tiêu để chữa dịch tả, tăng cường sức khỏe cho cơ thể yếu mệt sau khi sốt và phòng tái phát bệnh sốt rét. Người Indonesia dùng tiêu làm thành phần của một số loại thuốc bổ, thuốc giảm đau cho phụ nữ sau đẻ.
Còn ở Nepan, tiêu được phối hợp với nhiều vị khác để làm thuốc chữa cảm lạnh, cảm cúm, khó tiêu, viêm khớp.
Để chữa tê thấp, có thể ngâm hồ tiêu, đại hồi, phèn chua với rượu, dùng xoa bóp ngoài. Còn nếu bị đau răng, sâu răng, việc xát bột tiêu vào chân răng có thể giúp làm giảm cơn đau và diệt khuẩn.
Một số bài thuốc từ cây hồ tiêu:
Trị chứng ngũ tạng phong hàn, nôn ( bị lạnh bụng gây nôn): dùng hạt tiêu 30g. Ngâm trong 1 ít rượu. Trước khi ăn uống 1-2 ly con( 5-10 thìa cà phê).
Trị thương hàn, ho ngược lên, khí lạnh nhiễm vào dạ dày: Hạt tiêu 30 hạt đập dập, xạ hương 2g, rượu 200ml. Sắc còn 100ml. Uống nóng.
Trị chứng đau phía dưới tim: dùng 49 hạt tiêu, 10g sữa bò tươi nguyên chất, cho hạt tiêu vào nghiền đều. Đối với đàn ông thì cho thêm 1 lát gừng sống, với phụ nữ thêm 1 miếng đương quy hòa vào với rượu mà uống.
Trị đau dạ dày: táo tàu 7 trái, bỏ hạt, 7 hạt tiêu sọ cho vào ruột táo tàu, buộc lại đem chưng cách thủy cho nhừ rồi nghiền nát, viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 7 viên với nước ấm.Người khỏe mạnh có thể uống 10 viên sẽ khỏi đau. Nếu thấy dạ dày nóng và đói thì cho ăn cháo.
Lưu ý:
Hồ tiêu chỉ ăn vừa phải vì dùng nhiều sẽ phát mụn nhọt, gây trĩ, độc cho ngũ tạng và mờ mắt. Những người âm suy có hỏa nhiệt không dùng. Nếu có phản ứng không tốt do ăn nhiều thì nấu đậu xanh ăn để giải độc.
Mua bán dược liệu:
Giá bán tham khảo: Đang cập nhật.
Địa chỉ tham khảo: Bạn có thể mua ở các chợ hoặc siêu thị gần nhà.