Cây ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại….
Tên khoa học: Aconitum forrtunei.
Cây ô đầu, hay còn gọi là củ ấu tàu (không nhầm với vị hương phụ), củ gấu tàu, cố y…
Cây cho rễ củ được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.
Ô đầu là cây thuốc có độc, tất cả các phần của cây đều chứa chất gây độc, nhiều nhất là ở củ. Củ ấu tàu rất độc, lượng độc của củ ấu tẩu có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu và chết. Nhiều vụ ngộ độc vẫn xảy ra, thường là do uống rượu ngâm ô đầu. Người bị ngộ độc lúc đầu thấy cảm giác tê buồn ở lưỡi và niêm mạc miệng, rồi ngứa cổ và ho, sau đó nôn mửa, chân tay lạnh, toát mồ hôi, tim đập nhanh, nhỏ không đều, đại tiểu tiện ra quần, loạn hô hấp, có khi bất tỉnh. Nếu nặng thì thân nhiệt hạ thấp, mạch đập chậm, người xỉu đi, cuối cùng tử vong vì ngạt thở.
Rễ củ thu hái vào mùa thu trước khi cây ra hoa, rửa sạch, tách riêng củ con gọi là phụ tử, củ mẹ gọi là Ô đầu, phơi hay sấy khô ở 50-60 độ C.
Từ cây ô đầu còn có các vị thuốc:
+ Ô nhuế: là Ô đầu có hai nhánh ở dưới đế giống như sừng trâu.
+ Trắc tử là vú lớn bên củ phụ tử.
+ Thiên hùng là Ô đầu dưới đất lâu năm không sinh đủ con.
Theo y học dân tộc, ô đầu vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hoả, trừ phong hàn, táo thấp. Trong đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại…. Thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Tây y dùng làm thuốc ho, chứng ra mồ hôi nhiều.
Phụ tử có vị cay, hơi ngọt, tính nóng, có thể dùng uống để “hồi dương” trong những trường hợp cấp cứu như mạch gần như không có, mồ hôi ra nhiều, chân tay quờ quạng, phong hàn thấp tý, thận dương hư bất túc, cước khí, thủy thũng. Tuy độ độc có giảm nhưng những người giàu kinh nghiệm chữa bệnh vẫn phải phối hợp với các vị thuốc khác, đặc biệt là cam thảo và gừng sống, sắc kỹ, gạn lấy nước rồi uống. Có người còn nấu lại phụ tử nhiều lần với đậu đen hoặc ngâm nước vôi hoặc nước gạo đặc thật lâu rồi mới dùng.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tốt nhất là không nên tự ý dùng ô đầu, phụ tử dù là ngâm rượu để xoa bóp.
Thành phần hóa học:
Hoạt chất chính của củ Ô đầu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcaloid khác. Ngoài ra còn tinh bột, đường, manit, chất nhựa, các acid hữu cơ.
Đặc tính của aconitin trong ô đầu là rất dễ thủy phân trong dung dịch nước hay cồn ở nhiệt độ thường và với thời gian bảo quản. Với sức nóng (như lùi trong tro nóng), nó càng dễ thuỷ phân để cho chất benzoylaconin (giảm độc tính 400 – 500 lần) rồi aconin (giảm độc tính 1.000 – 2.000 lần). Do đó, ta có thể giải thích tại sao nhân dân các vùng có cây Ô đầu (Tứ Xuyên – Trung Quốc) dùng củ tươi nấu cháo ăn để trị phong thấp như cơm bữa mà không bị ngộ độc.
Nghiên cứu y học hiện đại ngày nay cho thấy ô đầu có các tác dụng:
Tác dụng giảm đau: alkaloid trong ô đầu có tác dụng làm giảm đau trên chuột trắng. Tác dụng giảm đau có tính chất thuộc trung ương, liên quan mật thiết với những đáp ứng của hệ thống các chất catecholamine trung adrenergic mà không thông qua trung gian là các thụ thể opiate nên levallorphan không làm ảnh hưởng đến tác dụng giảm đau của mesaconitin. Ngoài ra aconitin còn có tác dụng ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm cho dây thần kinh tê liệt mất khả năng dẫn truyền.
Tác dụng với hệ thần kinh: Đối với các tận cùng của dây thần kinh cảm giác trong da và niêm mạc, aconitin ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích gây ngứa, có cảm giác nóng bỏng, sau đó mât cảm giác tê dại. Aconitin còn có tác dụng ức chế trung khu hô hấp, tăng cường tiết nước bọt hạ thân nhiệt ở động vật bình thường cũng như động vật gây sốt.
Tác dụng chống viêm: Alcaloid ô đầu có tác dụng ức chế hiện tượng tăng thẩm thấu của thành mạch do tiêm xoang bụng acid acetic gây nên đồng thời ức chế phù bàn chân chuột cống trắng do tiêm carageenin phòng ngừa viêm. Nước sắc phụ tử có tác dụng chống viêm khớp cổ chân chuột do formaldehyd gây nên.
Theo đông y:
Ô đầu có vị cay, đắng, tính nóng, có độc mạnh; có tác dụng khu phong trừ thấp, ôn kinh, giảm đau.
Thường dùng làm thuốc ngâm rượu xoa bóp, trị nhức mỏi chân tay, tê bại, đau khớp, sai khớp, đụng giập (không dùng cho các vết thương hở).
Bộ phận dùng: Rễ củ – Radix Aconiti, thường gọi là Ô đầu và rễ củ đã chế biến – Radix Aconiti Lateralis Preparata, gọi là Phụ tử.
Một số bài thuốc từ cây ô đầu:
- Chữa bệnh khớp: nhiều khớp sưng to đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không đỏ nóng rõ nhưng đau nhiều, dị dạng kèm theo tê dại, da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, co duỗi khó khăn, xuất hiện nốt u cục quanh khớp, lâu ngày gây tổn thương thận (viêm thận kẽ, sạn tiết niệu, tiểu ra máu, suy thận cấp, mạn).mạch Trầm Huyền hoặc Khẩn, lưỡi nhợt, rêu trắng là triệu chứng của hàn thấp ứ trệ: Ô Đầu Tế Tân Thang (Hiện Đại Trung Y Nội Khoa Học): Ô đầu 5g (sắc trước), tế tân 5g, đương quy 12g, xích thược 12g, uy linh tiên 10g, thổ phục 16g, tỳ giải 12g, ý dĩ 20g, mộc thông 10g, quế chi 4-6 g.
- Tán nhỏ ngâm rượu 5 – 7 ngày để xoa bóp chỗ bị đau, hoặc tán bột trộn với bột thuốc khác làm thuốc dùng ngoài, ít khi dùng trong.
- Lương y Lê Trần Ðức đã dùng Ô đầu chế trong thang thuốc chữa tê thấp đau khớp, chân tay lạnh buốt, sợ nước lạnh: Phụ tử chế 2-4g, Quế vỏ 4g, Bạch chỉ 6g; Thiên niên kiện, Xuyên khung, Ðương quy đều 8g; Cốt toái bổ, Hoàng lực, Cẩu tích, Ngưu tất đều 12g, sắc uống.
Lưu ý:
Không thật trúng phong hàn và phụ nữ có thai thì không nên dùng.
Mua bán dược liệu:
Giá bán tham khảo: 500-560k/kg.