Giỏ hàng

Hoàng bá

Hoàng Bá

 (Cortex Phellodendri)
Tên gọi khác: Tên hán việt Hoàng bá, Nghiệt Bì (Thương Hàn Luận), Nghiệt Mộc (Bản Kinh), Hoàng Nghiệt (Bản Thảo Kinh Tập Chú), Sơn Đồ (Hòa Hán Dược Khảo).
Tên khoa học: Cortex Phellodendri

Mô tả cây thuốc: 

Hoàng bá là cây thân gỗ to cao, có thể cao tới 20-25m, đường kính thân có thể đạt tới 70cm. Vỏ thân dày phân thành hai tầng rõ rệt. Tầng ngoài màu xám, tầng trong màu vàng. Lá mọc đối, kém gồm 5-13 lá chét nhỏ hình trứng dài, mép nguyên. Hoa tím đen, trong chứa 2-5 hạt. Ra hoa mùa hạ.

Địa lý:

Cây ưa khí hậu mát, vùng núi cao từ 1300m trở lên. Nước ta di thực vào trồng từ cuối những năm 1960 ở Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ), Vĩnh Phú (Tam Đảo) và Lâm Đồng (Đà Lạt).

Thu hái, chế biến:

Thu hoạch vào tháng 3-6. Thời gian này, vỏ dễ bóc và đảm bảo chất lượng. Có thể cưa cả cây để bóc toàn bộ vỏ thân cành. Hoặc bóc theo định kỳ xung quanh thân cành, cây vẫn tái sinh và cho thu hoạch. Cạo bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ còn lớp trong dày chừng 1cm, sau đó cắt thành từng miếng dài 9cm, rộng 6cm, phơi hoặc sấy khô. Loại tốt có màu vàng tươi rất đẹp, vị rất đắng. Khi dùng rửa sạch, ủ mềm, thái mỏng, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng hoặc sao cháy.

Phần dùng làm thuốc: Vỏ cây khô (Cortex Phellodendri). Lựa loại vỏ dầy, mầu vàng tươi, sạch lớp bẩn ở ngoài là tốt.

Bào chế Dược liệu:

+ Hoàng bá tính hàn mà chìm, dùng sống thì tả thực hỏa, dùng chín khỏi hại tới dạ dày, chế với rượu trị bệnh ở thượng tiêu, chế với nước trị bệnh ở hạ tiêu, chế với mật trị bệnh ở giữa (Bản Thảo Cương Mục).

+ Rửa sạch, vớt ra, ủ mềm, xắt thành sợi, phơi khô (Dược Tài Học).

+ Cạo gọt bỏ lớp vỏ thô, thái phiến, dùng sống hoặc chế với rượu, hoặc chế Gừng, hoặc sao đen thành than, hoặc tán nhỏ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Diêm Hoàng Bá: Xắt thành sợi xong, tẩm nước muối cho ướt đều[50kg Hoàng bá, dùng 1,4kg Muối, pha nước vừa đủ], dùng lửa nhỏ sao gìa, lấy ra, phơi khô (Dược Tài Học).

+ Tửu Hoàng bá: Hoàng bá xắt thành sợi xong tẩm với rượu (100âkg Hoàng bá, 10kg Rượu), trộn đều, dùng lửa nhỏ sao qua, lấy ra, phơi khô (Dược Tài Học).

+ Hoàng Bá Thán: Hoàng bá xắt thành sợi xong, cho vào sao to lửa thành mầu đen xám nhưng còn tồn tính, phun nước cho ướt rồi bẻ ra, phơi khô (Dược Tài Học).

Bảo quản: Để nơi khô ráo, đậy kín. Tránh ẩm thấp, phòng sâu mọc và biến màu.

Mô tả Vị thuốc Hoàng bá:

+ Vỏ thân màu vàng nâu, dày 0,3 – 0,5 cm, dài 20 – 40 cm, rộng 3 – 6 cm. Mặt ngoài còn sót lại lớp bần màu nâu đất, có những vết lõm sần sùi và rãnh dọc, mặt trong màu nâu nhạt, có nhiều các vết nhăn dọc nhỏ, dài, vết bẻ lởm chởm, chất rắn, nhẹ, màu vàng rơm.

+ Vỏ cành cây dày 0,15 – 0,20 cm, mảnh dài cuộn lại thành hình ống. Mặt ngoài có lớp thụ bì màu nâu xám, khi bong ra để lộ lớp bần màu nâu sẫm, trên có lấm tấm nhiều vết lỗ vỏ, mặt trong màu nâu nhạt hơn, có những vết nhăn nhỏ, dọc. Chất giòn, dễ bẻ, mặt bẻ lởm chởm, để lộ mô mềm màu vàng rơm.

Tính vị:

+ Không độc (Biệt Lục).

+ Vị đắng, cay (Trân Châu Nang).

+ Vị đắng, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

+ Là thuốc của kinh túc Thái âm Tỳ, dẫn thuốc vào kinhtúc Thiếu âm Thận (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Là thuốc của kinh túc Thiếu âm Thận, thủ Quyết âm Tâm bào; Dẫn thuốc vào kinh túc Thái dương Bàng quang (Y Học Nhập Môn).

+ Vào kinh Thận và Bàng Quang (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Kiêng kỵ:

+ Sợ Can tất (Bản Thảo Kinh Tập Chú).

+ Không có hỏa: kiêng dùng (Dược Lung Tiểu Phẩm).

+ Tỳ vị tiêu hóa không tốt, tiêu chảy do hư hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Tiêu chảy do Tỳ hư, Vị yếu, ăn ít: kiêng dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tác dụng của Hoàng bá:

+ Chỉ kiết lỵ, an tử lậu, hạ xích bạch (Bản Kinh).

+ An Tâm, trừ lao (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Thanh nhiệt, táo thấp, tả hỏa, giải độc (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Tả hỏa ở thận kinh, trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+ Trị ngũ tạng, trường vị có nhiệt kết, hoàng đản, trĩ (Bản Kinh).

+ Trị Thận thủy, Bàng quang bất túc, các chứng nuy quyết, lưng đau, chân yếu (Trân Châu Nang).

+ Trị nhiệt lỵ, tiêu chảy, tiêu khát, hoàng đản, mộng tinh, Di tinh, tiểu ra máu, xích bạch đới hạ, cốt chưng, lao nhiệt, mắt đỏ, mắt sưng đau, lưỡi lở loét, mụn nhọt độc (Trung Dược Đại Từ Điển).

Liều dùng:

+ Ngày dùng 6 – 16g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Tùy trường hợp, dùng sống, sao cháy hoặc tẩm rượu sao. Thường dùng Hoàng bá phối hợp với các vị thuốc khác. Còn dùng Berberin chiết xuất tinh khiết.

+ Dùng ngoài để rửa mắt, đắp chữa mụn nhọt, vết thương.

Nguồn:

SẢN PHẨM NẤM LIM XANH

Rừng Tự Nhiên 100%
Chế Biến Gia Truyền
Chất Lượng Đảm Bảo
Miễn Phí Vận Chuyển
Hotline Button Zalo Button Location Button Location Button