Liên Kiều
Dược Liệu Liên KiềuTên khác: Lão kiều, Thanh kiều, Hạn liên tử, Hoàng thọ đan, Trúc căn, Weeping forsuthia (Anh).
Tên khoa học: Forsythia suspensa Vahl., họ Nhài (Oleaceae).
Mô tả Dược Liệu Liên Kiều:
Liên kiều là cây bụi nhỏ, rụng lá, cao 2-3m. Thân cành mảnh, mọc thẳng hoặc xòe ngang, cành non có cạnh, cành già hình trụ. Lá mọc đối, xuất hiện sau khi cây ra hoa, hình trứng nhẵn, dài 4-7cm, rộng 2-3cm, đầu nhọn, mép khía răng. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-3 hoa gần như không cuống, mầu vàng ; đài 4 răng hình bầu dục-mũi mác, dài bằng nửa tràng ; tràng 4 cánh mỏng đầu tù ; nhị 2, bầu 2 ô. Quả nang, hình trứng, đầu nhọn, vỏ cứng mầu nâu nhạt, có rãnh rọc, khi chín mở theo rãnh thành 2 mảnh loe ra như mỏ chim ; hạt nhỏ dài, mầu nâu. Mùa hoa: tháng 3-6 ; mùa quả: tháng 7-9.
Cây và hoa Liên Kiều
Quả chín khô của cây Liên kiều (Fructus Forsythiae). Thanh kiều là quả mới chín hái về, đồ rồi phơi khô. Lão kiều là quả chín già phơi khô bỏ hạt.
Thu hái, bào chế:
Vị thuốc Liên kiều là quả hình trứng dài, đến hình trứng, hơi dẹt, dài 1,5 – 2,5 cm, đường kính 0,5 – 1,3 cm. Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên. Mỗi mặt có một rãnh dọc. Đỉnh nhỏ, nhọn, đáy có cuống quả nhỏ hoặc vết cuống đã rụng. Có hai loại quả Liên kiều là Thanh kiều và Lão Kiều. Thanh kiều thường không nứt ra, màu nâu lục, chấm nhỏ màu trắng sáng nhô lên ít, chất cứng, hạt nhiều, màu vàng lục, nhỏ dài, một bên có cánh. Lão kiều nứt ra từ đỉnh hoặc nứt thành hai mảnh, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, mặt trong màu vàng nâu nhạt, trơn phẳng, có một vách ngăn dọc. Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu, dài 5 – 7 mm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.
Thành phần hoá học: Forsythin, matairesinoside, betulinic acid, phyillygenin, pinoresinol.
Tác dụng của Liên kiều: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán kết.
Công dụng Của Dược Liệu Liên Kiều
Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, tràng nhạc, ban sởi. Cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh mới phát, sốt cao bứt rứt khát nước, phát ban, tiểu đỏ nóng, bí tiểu tiện.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 -12g, dạng sắc hoặc hoàn tán phối hợp với các vị thuốc khác.
Tác dụng dược lý:
1.Tác dụng kháng khuẩn rộng: Phenol Liên kiều có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lî, thương hàn, lao,ho gà, bạch hầu, leptospira, hebdomadis, virús cúm, rhinovirus, nấm,. với mức độ khác nhau.
2.Tác dụng chống viêm: khu trú trạng thái viêm mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tế bào nên cổ nhân gọi Liên kiều là “sang gia thần dược”, tăng tác dụng thực bào của bạch cầu.
3.Thuốc có tác dụng hạ huyết áp, làm gĩan mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn, cải thiện vi tuần hoàn.
4.Thuốc có tác dụng bảo vệ gan, giải nhiệt, cầm nôn, lợi tiểu, cường tim.
Bài thuốc có Liên kiều:
1. Chữa mụn nhọt, đơn độc, ban chẩn: Liên kiều, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi thứ 12g, Cúc hoa dại 12g, sắc uống.
2. Chữa lao hạch: Liên kiều, Hạ khô thảo, Huyền sâm mỗi thứ 12g, Mẫu lệ 20g, sắc uống.
3. Chữa viêm cầu thận cấp, lao thận: Mỗi ngày dùng Liên kiều 30g, cho nước vừa đủ sắc nhỏ lửa còn 150ml, chia 3 lần trong ngày uống trước bữa ăn, trẻ em giảm liều, uống liên tục trong 5 – 10 ngày. Kiêng ăn mặn và cay (Báo Y dược Giang tây 1961,7:18).
4. Trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Liên kiều 30g, gia nước vừa đủ sắc, còn 150ml chia 3 lần trong ngày uống trước bữa ăn (Trung y Quảng đông 1960,10:469).
5. Chữa hạc tất phong, đầu gối sưng đau, đi lại khó khăn: Liên kiều, Phòng phong, Kinh giới (sao), Đương quy, Tang phiêu tiêu (sao nước muối) mỗi vị 9g; Ba kích thiên (sao nước muối) 15g; Xuyên khung (sao), Ngưu tất, mỗi vị 4,5g; Thông bạch (nõn hành) 10cm. Sắc nước uống (Liên kiều tiêu thũng thang).
Kiêng kỵ: Âm hư, nội nhiệt, nhọt đã vỡ không dùng.