Long Đởm Thảo
(Radix et rhizoma Gentianae)
Tên khoa học: Gentiana scabra Bunge., họ Long đởm (Gentianaceae).
Mô tả cây thuốc:
Long đởm thảo là cây thảo, sống lâu năm, cao 40-60 cm. Rễ nhiều mọc tua tủa thành chùm, dài đến 20cm, vỏ ngoài mầu vàng nhạt. Thân mọc đứng có nhiều đốt. Lá mọc đối, không cuống, lá ở gốc thường nhỏ, những lá phía trên lớn hơn dài 3-8cm, rộng 1-3cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, gân hình cung. Hoa mọc tụ tập ở kẽ lá, hình chuông, mầu lam; đài và tràng hình trụ, có 4-5 thùy, nhị 4-5 đính ở giữa hoặc ở ống tràng, không thò ra ngoài tràng; bầu 1 ô. Quả nang; nhiều hạt.
Bộ phận dùng: Rễ và thân rễ khô của cây Long đởm (Radix et rhizoma Gentianae).
Phân bố: Vị thuốc nhập từ Trung Quốc.
Thu hái: Hai vụ xuân, mùa thu, đào lấy thân rễ và rễ, rửa sạch.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng đối với vị trường: Liều thấp, Long đởm thảo uống trước bữa ăn 1/2 giờ làm tăng dịch vị, nhưng nếu dùng sau bữa ăn, ngược lại, làm giảm dịch vị. Chất Gentiopicrin có tác dụng làm tăng dịch vị khi bơm trực tiếp vào dạ dày chó nhưng uống hoặc tiêm tĩnh mạch thì không có tác dụng, điều này cho thấy nó có tác dụng trực tiếp. Long đởm thảo làm giảm thời gian chuyển vận đường ruột của thỏ. Cho chuột dùng Long đởm thảo thấy không có sự thay đổi khẩu vị hoặc trọng lượng gì cả (Trung Dược Học).
+Tác dụng kháng khuẩn: Trong thí nghiệm, dịch tiêm Long đởm thảo có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh thông thường. Gentiopicrin có tác dụng mạnh đối với ký sinh trùng sốt rét (Trung Dược Học).
+ Dùng nước sắc Long đởm thảo hợp với thuốc Tây thông thường Điều trị 23 cas viêm não B (11 cas nặng, 6 trung bình, 6 nhẹ) bằng nước sắc Long đởm thảo, thay cho thuốc Tây thông thường. Trong số này, có 15 cas nhiệt độ bình thường vào ngày thứ 3, và chỉ có 1 cas có di chứng (Trung Dược Học).
+ Theo Ebeling, Long đởm thảo có tác dụng phòng sự lên men, uống ít (nửa giờ trước bữa ăn) có tác dụng kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm khỏa dạ dày, ngược lại, uống sau khi ăn cơm hay uống quá nhiều, lại làm cho tiêu hóa kém sút, nhức đầu, hoa mắt, mặt đỏ (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Theo Nội Điên Trang Thái Lang (Nhật Bản-1938), nghiên cứu tác dụng chất đắng của Long đởm thảo trên dạ dày nhỏ của chó thì thấy cho chó uống Long đởm thảo sự bài tiết dịch vị tăng tiến và lượng acid tự do cũng tăng hơn (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
Thành phần hoá học:
+ Có Gentianine, Gentiopicrin, Gentianose (Trung Dược Học).
+ Có Glycosid đắng gọi là Gentiopicrin và chất đường gọi là Gentianosa (Dược Liệu Việt Nam).
+ Trong Long đởm có một Glucosid đắng chừng 25 gọi là Gentiapicrin C16H20O9 và một chất đường gọi là Gentianosa C18H32O16 chừng 4%. Thủy phân Gentiapicrin ta sẽ được gentiagenin C10H10O4 và Glucose. Gentianose gồm hai phân tử Glucose và một phân tử Fructose (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
Tác dụng của Long đởm thảo: Thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thực, tiêu viêm.
Công dụng: Làm thuốc giúp sự tiêu hoá, thuốc bổ đắng, làm đại tiện dễ mà không gây tiêu chảy.
Cách dùng, liều lượng:
Bài thuốc có Long đởm thảo:
1. Chữa ăn không tiêu, đầy bụng: Long đởm thảo 2g, Đại hoàng 1g, Hoàng bá 1g, sắc uống làm 3 lần trước khi ăn khoảng 15 phút.
2. Chữa đau dạ dày: Long đởm thảo 0,5g; Hoàng bá 0,5g, Can khương 0,3g, Quế chi 0,3g, Hồi hương 0,3g, Kê nội kim 0,5g, Sơn tra 1g (sao cháy). Tất cả trộn đều tán bột, chia làm 3 lần uống trong ngày (Hòa hán dược dụng nghiệm phương).
3. Chữa sốt, khó thở: Long đởm thảo 2-3g, hãm thêm bột Hồ tiêu vào, uống.
Kiêng kỵ: Chứng hư hàn, tỳ vị hư nhược, tiêu chảy và không có thực hoả thấp nhiệt thì không nên dùng.
Ghi chú: Ngoài loại Long đởm trên người ta còn dùng rễ và thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Điều diệp long đởm (Gentiana manshurica Kitag.), cây Tam hoa long đởm (Gentiana triflora Pall.) hoặc cây Kiên long đởm (Gentiana rigescens Franch.), họ Long đởm (Gentianaceae).