Quế Chi
Quế chi là cành non của cây Quế, là cây thân gỗ cao 10-15m, phân cành nhiều, có vỏ dày và sù sì. Lá mọc đối, hình trái xoan thuôn, nguyên, nhọn, dài 10-18cm, rộng 4-5cm, có 3 gân chính rõ. Cụm hoa là những xim có hoa đều, màu trắng, đế hoa dạng chén, trên mép chén dính các mảnh bao hoa và các nhị; bầu 1 ô chứa 1 noãn ở gốc đáy chén. Quả mọng, dài 1-1,5cm, màu đen. Quế ra hoa tháng 1-3, quả tháng 8-9.
Phân bố:
Ở nước ta, Quế mọc hoang và được trồng từ Nghệ An trở vào Côn Sơn, Phú Quốc, nhưng tốt nhất là Quế Thanh Hóa. Ngoài ra, quế còn phân bố ở Tây Ấn Ðộ, Xri Lanca và được trồng ở nhiều xứ nhiệt đới khác.
Cây Quế
Bộ phận dùng: Vị thuốc Quế chi là cành non của Nhục quế.
Thu hái, sơ chế Dược liệu: Thu vào mùa xuân, phơi khô trong bóng râm hoặc ngoài nắng, cắt thành lát mỏng hoặc miếng.
Tính vị: Vị ngọt, cay, tính đại nhiệt.
Quy kinh: Vào hai kinh Can và Thận.
Thành phần hóa học: Cinnamic aldehyde, cinnamic acid, cinnamyl acetate
Tác dụng của Quế chi: Thông kinh, tán hàn, ôn huyết, hành khí.
Chủ trị:
– Ngoại cảm phong hàn dùng Quế chi với Ma hoàng để phát hãn, giải cảm như trong bài Ma Hoàng Thang. Y học hiện đại tìm ra rằng nước sắc của quế có tính kháng một số loại khuẩn bệnh cúm.
– Hành kinh bị đau dùng Quế chi thể ấm huyết, tán ứ, hành khí.
– Thể phong hàn của hội chứng hư biểu biểu hiện như ra mồ hôi, sợ gió, sốt dùng Quế chi với Bạch thược trong bài Quế chi Thang.
– Ðau khớp do nhiễm phong, hàn và thấp biểu hiện như đau các khớp, chân tay, vai và lưng dùng Quế chi với Phụ tử.
– Tâm Tỳ dương hư biểu hiện như trống ngực, phù và thở nông dùng Quế chi với Phục linh và Bạch truật.
– Dương suy ở ngực biểu hiện như đau ngực, trống ngực hoặc rối loạn nhịp tim dùng Quế chi với Giới bạch, Qua lâu, Đào nhân, Mẫu đơn bì và Phục linh trong bài Quế chi Phục Linh Thang.
Liều dùng: 3 – 9g
Bảo quản: Dùng giấy bóng kính gói kỹ, đựng vào thùng kín. Để nơi khô ráo, kín, mát, tránh nơi ẩm.
Kiêng kỵ: Không phải hư hàn không nên dùng. Thận trọng khi dùng Quế chi cho thai phụ.