Long Nhãn
(Euphoria longan)
Tên khác: Lệ chi nô, Á lệ chi, Mạy ngận, Mác nhan (Tày), Lày nghịn điẳng (Dao), dragon’ eye (Anh).
Tên khoa học: Euphoria longan (Lour.) Steud., họ Bồ hòn (Sapindaceae).
Mô tả cây thuốc:
Long nhãn là cùi của quả cây nhãn, cây cao 5-7m. Lá rườm rà, vỏ cây xù xì, sắc xám, nhiều cành, nhiều lá um tùm, xanh tươi luôn, không hay héo và rụng như lá các cây khác. Lá kép hình lông chim, mọc so le gồm 5 – 9 lá chét hẹp dài 7-20cm, rộng 2,5 – 5cm. Mùa xuân vào các tháng 2 – 3 – 4 có hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, đài 5 – 6 răng, tràng 5 – 6, nhị 6 – 10, bầu 2 – 3 ô. Quả có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhãn (chỉ có một ô của bầu phát triển thành quả, các ô kia tiêu giảm đi). Hạt đen nhánh có áo hạt trắng bao bọc.
Cây Nhãn
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Long nhãn là cùi quả nhãn, thường dày mỏng không đều, rách nứt theo thớ dọc, màu vàng cánh gián hay màu nâu, trong mờ, một mặt nhăn không phẳng, một mặt sáng bóng, có vân dọc nhỏ, thường thấy cùi kết dính (dài 1,5 cm, rộng 2-4 cm, dầy chừng 0,1 cm). Thể chất mềm nhuận, dẻo dai, sờ không dính tay. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt đậm.
Bộ phận dùng: Vị thuốc là áo hạt (thường gọi là cùi) đã chế biến khô của quả cây Nhãn (Arillus Longanae).
Phân bố: Ở Việt Nam đâu cũng có nhãn, nhưng nhiều và quý nhất là nhãn Hưng Yên.
Thu hái:
Mùa hạ, thu, hái quả nhãn đã chín, cùi dày, ráo nước đem phơi nắng to hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40-50oC đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc, mang ra bóc vỏ, lấy cùi đã nhăn vàng, rồi sấy ở 50 – 60oC đến khi nắm mật không dính tay (độ ẩm dược liệu dưới 18%) thì bỏ ra, tách rời từng cùi một. Chú ý giữ vệ sinh khi bóc cùi và khi sấy, phơi. Chùm quả trước khi phơi hoặc sấy có thể nhúng nước sôi 1-2 phút.
Thành phần hoá học:
– Cùi nhãn khi tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protid 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sacarose 12,25%, vitamin A và B.
– Cùi khô (Long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, độ tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucose 26,91%, sacarose 0,22%, acid taetric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%.
– Hạt nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin.
– Trong chất béo có các acid xyclopropanoid và acid dihydrosterculic C19H36O2 khoảng 17,4% (C.A 1969, 71, 103424m). Hạt nhãn cạo bỏ lớp vỏ đen, thái mỏng tán bột rắc lên những vết thương chảy máu, hoặc trộn với dầu bôi lên nơi bị bỏng.
– Trong lá nhãn có quexitrin, quexitin, tanin (C.A. 1949, 43, 8611 8611c), ngoài ra còn có b -sitosterol, epifriendelanol C30H52O friedelin C30H50O và 16-hentriacontanol (C.A. 1972, 76, 11978v). Lá nhãn có vị nhạt, tính bình, có tác dụng chữa cảm mạo với liều 10 – 15g dưới dạng thuốc sắc.
Tác dụng của Long nhãn: Bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần.
Công dụng: Làm thuốc bổ, trị chứng trí nhớ bị sút kém, hay quên, mất ngủ, hay hốt hoảng, tâm thần hồi hộp mệt mỏi, thiếu máu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 9 – 18g. Dạng thuốc sắc hay cao lỏng.
Chè hạt sen Long Nhãn
Bài thuốc có Long nhãn:
1. Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long và long nhãn (đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông). Còn có tên là nhị long ẩm: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. Sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.
2. Chữa các chứng do tư lự quá độ, buồn bực không ngủ hay quên: Bài quy tỳ: Nhân sâm 10g, Bạch truật 12g, hoàng kỳ12g, long nhãn 12g, toan táo nhân 12g, Phục thần 12g, viễn trí 8g, mộc hương 6g, Cam thảo 8g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
3. Bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần: Dùng cháo long nhãn cho người huyết hư Long nhãn 16g, Đại táo 15g, Ngạnh mễ (gạo tẻ) 100g nấu cháo ăn thường xuyên mỗi ngày một thang, ăn liên tục vài ba tuần.
4. Tác dụng ích khí huyết, bổ thận âm: Dùng Long nhãn 16g, Hoài sơn 16g, Giáp ngư 500g. Giáp ngư mổ bỏ ruột, cắt thành miếng rồi đem hầm với 2 vị thuốc trên, khi chín nhừ nêm gia vị vào, ăn thịt và uống nước.
5. Bổ ích khí huyết, dưỡng tâm an thần: Long nhãn tươi 300g, đường kính trắng 500g, hai thứ bỏ vào chưng kỹ, để nguội cho vào lọ kín. Mỗi lần ăn 12-16g, ngày 2 lần.
6. Bổ huyết, điều trị chứng thiếu máu, cơ thể suy nhược, thể trạng mệt mỏi, đoản hơi: Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, Thục địa 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần, uống ấm.
7. Tác dụng an thần, ích trí, trị chứng mất ngủ, trí nhớ suy giảm, hay quên, lo nghĩ quá nhiều dẫn đến tâm hồi hộp, loạn nhịp, hoa mắt, chóng mặt: Dùng Long nhãn 16g, Câu đằng 12g, Toan táo nhân 10g, Thục địa 16g.
8. Trường hợp tỳ hư, ăn uống tiêu hóa kém, không ngon miệng: Dùng Bạch truật 12g, Hoài sơn 12g, Long nhãn 12g, Ý dĩ nhân 10g, Liên nhục 10g, Phục thần 12g, Cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kiêng kỵ: Bên ngoài cảm mạo, bên trong uất hoả, đầy bụng, ăn uống đình trệ, cấm dùng.