Toàn Yết
(Scorpio)
Tên khác:
Đỗ bá (Quảng Nhã), Chủ bạc trùng (Tây Dương Tạp Trứ), Toàn trùng (Trung Dược Hình Tính Kinh Nghiệm Giám Biệt Pháp), Phục bối trùng (Sơn Tây Trung Dược Chí), Bọ cạp, Bò cạp (Việt Nam).
Tên khoa học: Scorpio, Buthus martensi Karsch. Thuộc Họ Bọ Cạp (Buthidae).
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Toàn yết là một loài có đốt, đầu và ngực ngắn; bụng tương đối dài hơn, phía dưới của bụng thót lại và dài, cuối cùng có ngòi mang nọc độc. Đầu, ngực, bụng tròn hình bầu dục, dài mà hẹp, bằng, bụng dưới giống như cái đuôi, nhăn nheo, cong, toàn thân nguyên vẹn dài khoảng 5cm. Phần đầu ngực mầu nâu đen, mặt trước có một đôi càng tương đối nhỏ và một đôi càng to giống như càng cua, mặt lưng lại có vẩy, mặt bụng có 4 đôi chân đều có 7 đốt, đầu mỗi chân đều có 2 móng móc câu. Phần bụng trên có đốt vòng, mặt lưng mầu nâu, mặt bụng mầu vàng nâu. Bụng dưới hẹp, dài giống cái đuôi, mầu vàng nâu, cũng có đốt vòng, trên mỗi đốt đều có đường rãnh dọc, đầu đốt cuối cùng có kèm gai độc như móc câu nhọn. Bẻ gẫy chỗ bụng dưới thì bên trong rỗng. Mùi hơi tanh, vị mặn (Dược Tài Học).
Địa lý: Thường sống ở dưới những hòn đá hoặc khe vách.
Bộ phận dùng:
Nếu dùng cả con Bọ cạp làm thuốc thì gọi là Toàn yết. Nếu chỉ dùng đuôi không thôi thì gọi là Yết vĩ. Thứ nguyên vẹn, không nát vụn, mầu vàng, trong bụng ít tạp chất và muối là tốt.
Thu hoạch, Sơ chế: Thường bắt bọ cạp vào mùa xuân và mùa hạ.
Bào chế:
– Theo Trung Y: Cách chế Toàn yết nhạt: đem Bọ cạp sống nhúng vào trong nồi nước sôi, vớt ra phơi khô. Cách chế biến Toàn yết mặn: đem toàn yết tươi cho vào trong nước muối ngâm 6 – 8 giờ, sau lại nấu với nước muối, phơi âm Can cho khô (thường dùng) (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
– Theo kinh nghiệm Việt Nam: Mua về (đã muối) bỏ đầu, phân. Khi bắt được cho ngay vào chậu hay nồi nước trong hoặc nước có pha thêm muối ăn (mỗi kilogam Bọ cạp cho thêm 300 đến 500g muối ăn). Đậy vung lại và đun từ 3 đến 4 giờ cho đến khi cạn nước. Lấy Bọ cạp ra phơi mát cho khô, không nên phơi nắng, vì nếu phơi nắng, muối có thể kết tinh. Khi dùng lại phải ngâm nước rửa cho sạch hết muối đi.
Bảo quản: Mùa hạ dễ chảy nước, mục nát, biến chất, sinh sâu bọ.
Tác dụng dược lý:
+ Thuốc có tác dụng chống co giật yếu hơn Ngô công (Trung Dược Học).
+ Toàn yết có tác dụng hạ áp lâu dài. Nhiều tác giả cho rằng chế phẩm Toàn yết ảnh hưởng đến chức năng vận mạch của trung khu thần kinh, làm dãn mạch, trực tiếp ức chế hoạt động của tim và làm giảm tác dụng tăng áp của Adrenalin (Trung Dược Học).
+ Tác dụng kháng khuẩn: Ngô công có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với trực khuẩn lao và nấm ngoài da (Trung Dược Học).
+ Trong Bọ cạp có chất độc gọi là Katsufoxin là một chất protid có Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ và Sulfur (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
Độc tính: LD50 trên súc vật thí nghiệm là 0,07-0,7mg/kg tuỳ thuộc loại súc vật thí nghiệm. Ở thỏ thí nghiệm, thuốc gây co cứng chi và liệt hô hấp (Trung Dược Học).
Tính vị:
+ Tính bình (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
+ Vị ngọt, cay, có độc (Khai Bảo Bản Thảo).
+ Vị ngọt, tính bình, có độc (Phẩm Hối Tinh Nghĩa).
+ Vị cay, chua mặn, tính hàn (Y Lâm Toản Yếu).
+ Vị cay, tính bình, có độc (Trung Dược Học).
Quy kinh:
+ Vào kinh túc Quyết âm Can (Bản Thảo Cương Mục).
+ Vào kinh Can (Trung Hoa Bản Thảo).
+ Vào kinh Can (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng của Toàn yết:
+ Trị các chứng phong chẩn, trúng phong liệt nửa người, méo miệng, nói khó, chân tay co giật (Khai Bảo Bản Thảo).
+ Trị kinh phong (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
+ Trị trẻ nhỏ kinh phong, co giật, các loại phong lở loét (Bản Thảo Cương Mục).
+ Trị các chứng phong, hoa mắt , chóng mặt, động kin, co giật, mắt lệch, miệng méo… bệnh ở Quyết âm phong mộc (Bản Thảo Tùng Tân).
+ Chủ trị các chứng phong, kiêm năng ích Tâm, hạ thanh thuỷ thận thuỷ (Y Lâm Toản Yếu).
Kiêng kỵ:
+ Kỵ nước lạnh (Bảo Khánh Bản Thảo Sở Tham).
+ Giống như trúng phong hoặc trẻ nhỏ bị mạn tỳ phong thuộc hư chứng: không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Không thể uống lâu vì vị cay làm cho khí bị tán đi (Bản thảo Tân Biên).
+ Chứng đới hạ mà không có phong không có nhiệt: không dùng Bản Thảo Cầu Chân).
+ Huyết hư sinh phong, phụ nữ có thai: không dùng (Trung Hoa Bản Thảo).
+ Các chứng như miệng khô khát nước và đàn bà có thai thì cấm dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều dùng: 2-8g hoặc 2 con đến 4 con.