Cây rau má chữa sốt, sởi, nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ, ỉa chảy, táo bón, vàng da, mụn nhọt…
Tên khoa học: Centella asiatica.
Cây rau má còn có tên là tích tuyết thảo. Đây là loại rau thông dụng nhân dân ta thường dùng chế biến nhiều cách khác nhau để làm món ăn mát bổ; ép nước hoặc chế biến thành trà giải khát có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc dùng rất tốt trong mùa hè. Chữa sốt, sởi, nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ, ỉa chảy, táo bón, vàng da, mụn nhọt…
Theo nghiên cứu, dịch chiết từ cây rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết giúp vết thương chóng lành và mau lên da non, do đó được dùng để điều trị bỏng, vết thương, vẩy nến…
Thành phần hóa học:
Saponin, tinh dầu, alcaloid, flavonoid, chất đắng…
Theo đông y:
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.
Thường dùng trị cảm mạo phong nhiệt, thuỷ đậu sởi, sốt da vàng mặt, viêm họng, sưng amygdal, viêm khí quản, ho, viêm đường tiết niệu, đái dắt đái buốt, còn dùng trị thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới, giải độc lá ngón và nhân ngôn.
Dùng ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, lở ngứa và vết thương chảy máu.
Ở Trung Quốc, rau má được dùng trị cảm mạo phong nhiệt, viêm phần trên đường hô hấp, viêm gan, lỵ, cúm, ăn phải vật có độc, viêm màng phổi, rắn cắn, gai đâm vào thịt, trúng độc nấm dại, ngộ độc sắn, trúng độc thuốc nông dược, ngộ độc thức ăn và đòn ngã tổn thương.
Một số bài thuốc từ cây rau má:
Thuốc hạ huyết áp: Rau má 16g, rễ kiến cò 12g, lá tre l2g, rễ nhàu 16g, rễ tranh 12g, rễ cỏ xước 12g, lá dâu 12g. Sắc uống thay trà hàng ngày.
Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Dùng 50g rau má rửa sạch giã vắt lấy nước, thêm ít đường hoặc một ít muối cho dễ uống.
Đái rắt, đái buốt: Rau má 40g, nõn tre 40g để tươi, giã nát với vài hạt muối, gạn lấy nước uống.
Hạ sốt: Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hoà 10g bột sắn dây, thêm đường uống.
Chữa ho, viêm họng: Rau má rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt đặc, hoà thêm với đường cho dễ uống. Trẻ em ngày hai lần, mỗi lần ½ bát ăn cơm; người lớn uống ngày hai lần, mỗi lần một bát ăn cơm. Uống liên tục 5 đến 7 ngày.
Chữa mụn nhọt: Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi.
Chảy máu chân răng, chảy máu cam và các chứng chảy máu: Rau má 30g, Cỏ nhọ nồi và Trắc bá diệp mỗi vị 15g sao, sắc nước uống.
Khí hư bạch đới: Rau má phơi khô làm thành bột uống mỗi sáng dùng 2 thìa cà phê.
Thống kinh, Đau lưng, đau bụng, ăn kém uể oải: Rau má 30g, ích mẫu 8g, Hương nhu 12g, Hậu phác 16g. Ðổ 600ml nước, sắc còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.
Viêm hạnh nhân: Rau má tươi giã lấy nước cốt, hoà ít giấm nuốt từ từ. 5. Ho, đái buốt, đái dắt: Rau má tươi giã lấy nước cốt uống hoặc sắc uống.
Viêm tấy, mẩn ngứa: Rau má trộn dầu giấm ăn, hoặc giã nát vắt lấy nước, thêm đường uống.
Thuốc lợi sữa: Rau má ăn tươi hay luộc ăn cả cái và nước.
Lưu ý:
Rau má có tính hàn, do đó ăn nhiều sẽ dễ gây lạnh bụng dẫn đến tiêu chảy, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Do đó, rau má khi chế biến phải đảm bảo vệ sinh, hạn chế ăn sống, khi ăn nên kèm theo vài lát gừng để trung hòa tính hàn.
Người huyết áp thấp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, phụ nữ có thai không nên sử dụng nhiều và thường xuyên.
Mua bán dược liệu:
Giá bán tham khảo: Đang cập nhật.
Địa chỉ tham khảo: Bạn có thể mua ở các chợ hoặc siêu thị gần nhà.