Dược Liệu Sạch Côn Bố
(Laminaria japonica Aresch)
Cây thuốc côn bố là một loại tảo dẹt, màu nâu, có những móc để bám vào tảng đá ngoài biển. Một bộ phận hình trụ có vai trò như thân và một bộ phận dẹt và dài như lá. Bộ phận giống như lá của Côn bố dài khoảng 60cm, rộng 5-6cm, giữa dày, mép có răng cưa nhỏ.
Phân bố:
Vị thuốc này ở nước ta chưa thấy có khai thác, còn nhập của Trung Quốc. Côn bố mọc hoang ở các vùng biển Liêu ninh, Sơn đông, Phúc kiến. Theo những tài liệu cũ, ở ven biển nước ta có thể có loài Côn bố Laminaria flexicaulis nhưng chưa khai thác.
Thu hái, sơ chế: Vào mùa hạ và thu. Vớt dưới biển lên, ngâm vào nước sạch cho bớt vị mặn, để hơi khô, cắt thành sợi, phơi khô, để dành dùng.
Bộ phận dùng: Toàn cây
Mô tả dược liệu:
Vị thuốc Côn bố cuộn khúc lại thành cuộn hoặc bó lại thành từng bó. Tùy theo loại tảo mà vị thuốc có màu nâu xanh hay đen nâu. Mặt ngoài thường phủ một ít tinh thể muối, mùi tanh, vị mặn.
Thành phần hóa học: Laminine, iodine, iron, calcium, vitamin C, potassium, alginic acid
Tác dụng của côn bố:
– Trừ đờm và nhuyễn kiên, lợi niệu.
– Bướu giáp biểu hiện như to cổ, cảm giác cứng Họng: Dùng Côn bố với Hải tảo, Hải cáp xác trong bài Côn Bố Hoàn.
– Phù chân hoặc toàn thân: Dùng Côn bố với Phục linh và Trạch tả.
Tính vị:
– Trung dược học: Mặn, lạnh.
– Ngô phổ bản thảo: Chua mặn, lạnh, không độc.
– Bản thảo tái tân: Vị đắng, tính lạnh, không độc.
Qui kinh:
– Trung dược học: Vào kinh Can, Thận.
– Yếu dược phân biệt: Vào kinh Vị.
– Bản thảo tái tân: Vào kinhTỳ.
Công dụng và chủ trị:
– Biệt lục: Chủ 12 lọai thủy thũng, anh lựu tụ kết khí, ủy sang.
– Dược tính luận: Lợi thủy đạo, khứ mặt sưng, khứ ác sang thử lậu.
– Diêu khả thành (Thực vật bản thảo): Quần đới thái chủ con gái xích bạch đới hạ, con trai tinh tiết mộng di.
– Ngọc thu dược giải: Tiết thủy khứ thấp, phá tích nhuyễn kiên. Thanh nhiệt lợi thủy, trị khí cổ thủy thũng, tràng nhạc anh lựu, điên sán ác sang, công dụng giống như Hải tải, Hải đới.
– Hiện đại thực dụng Trung dược: Trị thủy thũng, bệnh lâm, thấp tính cước khí. Còn trị bướu giáp, viêm phế quản mạn tính, ho.