Đại táo là cây vừa hoặc cao, có thể cao đến 10m. Lá mọc so le, lá kèm thường biến thành gai, cuống ngắn 0,5-1cm, phiến lá hình trứng dài 3-7cm, rộng 2-3,5cm, mép có răng cưa thô, trên mặt rõ 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ. Hoa nhỏ, mọc thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7-8 hoa. Cánh hoa mầu vàng, xanh nhạt. Quả hình cầu hoặc hình trứng, khi còn xanh mầu nâu nhạt hoặc xanh nhạt, khi chín mầu đỏ sẫm. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 7-9.
Hiện nay ở miền Bắc nước ta, cây đã được đem trồng nhiều nơi, đang phát triển mạnh, phổ biển trồng bằng chiết cành vào mùa xuân.
Thu hái: Vào mùa thu đông, khi quả chín, phơi sấy khô làm thuốc.
Mô tả dược liệu: Quả khô hình viên chùy, dài chừng 18mm – 32mm, thô chừng 15 – 18mm. Bên ngoài có màu đỏ nâu hoặc nâu tím. Có trái có vết nhăn nheo rất sâu, cuối quả có lõm vào, có vết cuống quả hoặc vết sẹo hình tròn. Chất mềm mà nhẹ, bên ngoài vỏ quả mỏng, nhăn rúm, chất thịt màu nâu nhạt, có dầu dẻo. Hạt quả hai đầu nhọn, vỏ cứng, đập ra có nhân cứng màu trắng.
Tính vị: Vị ngọt, tính bình
Quy kinh: Vào kinh tỳ, vị
Thành phần hoá học: Carbohydrat, protid, chất béo, vitamin C, chất khoáng.
Công năng: Kiện tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân dịch, điều hoà dinh vệ, hoà giải các vị thuốc khác.
Công dụng:Chữa lo âu, mất ngủ, tỳ vị hư nhược.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 10 – 30g (3 – 10 quả), thường phối hợp trong các bài thuốc bổ, sắc hoặc ngâm rượu uống.
Kiêng kỵ: Đầy bụng, có đàm thấp, thấp nhiệt không dùng
Bảo quản: Đậy kín, tránh sâu bọ, chuột, gián.