Địa Du
Tên Hán Việt khác:
Mô tả cây thuốc:
Địa du là cây thảo, đa niên, mọc hoang ở rừng núi, cao chừng 0,5-1m. Lá có cuống dài, búp lông chim, có từ 3-14 đôi lá chét hình trứng tròn, hoặc hình bầu dục dài, đầu tù. Mép lá có răng cưa thưa. Cụm hoa hình bông, mọc ở ngọn. Hoa màu hồng tím. Quả có lông hình cầu. Sinh ở trong bụi cây nơi sườn núi chỗ ẩm thấp.
Địa lý: Sinh ở trong bụi cây nơi sườn núi chỗ ẩm thấp. Việt Nam mới di thực cây này về trồng chưa phổ biến lắm.
Cây, lá địa du
Thu hái, chế biến:
Mùa xuân khi cây sắp nảy chồi, hoặc mùa thu sau khi cây khô, đào lấy rễ, loại bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, hoặc thái phiến rồi phơi khô.
+ Địa du phiến: Rửa sạch rễ Địa du, loại bỏ tạp chất, thân cây còn sót lại, ủ mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô để dùng.
+ Địa du thán: Lấy địa du phiến, sao lửa to đến khi mặt ngoài có màu đen sém và bên trong có màu vàng thẫm hay màu nâu. Lấy ra để nguội.
Bào chế:
– Chọn thứ xắt nhỏ như sợi bông là tốt, bỏ đầu cuống rửa qua rượu. Nếu trị chứng đái ra huyết, cầu ra máu. Muốn cầm máu thì dùng đoạn trên, xắt lát sao qua, nửa đoạn dưới thì lại hành huyết (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
– Chọn loại khô tốt rửa sạch, ủ một đêm cho mềm, xắt lát phơi khô. Dùng chín (sao cháy) hay dùng sống tùy theo phái của thầy thuốc (Trung Dược Học).
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Địa du là rễ hình thoi hoặc hình trụ không đều, hơi cong queo hoặc vặn, dài 5 – 25 cm, đường kính 0,5 – 2 cm, mặt ngoài màu nâu tro, màu nâu hoặc tía thẫm, thô, có nếp nhăn dọc, có vân nứt ngang và vết rễ con. Chất cứng. Mặt bẻ tương đối phẳng, vỏ có nhiều sợi dạng bông, từ màu trắng vàng đến màu nâu vàng, gỗ màu vàng hoặc nâu vàng, tia gỗ xếp thành hàng xuyên tâm. Cắt thành lát hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 – 0,5 cm, mặt cắt màu đỏ tía hoặc nâu. Không mùi, vị hơi đắng, săn.
Tác dụng của Địa du: Lương huyết, cầm huyết, đồng thời có tác dụng cầm bạch đới.
Chủ trị: Trị tiêu ra máu, kiết lỵ ra máu, rong kinh do huyết nhiệt, trĩ ra máu, bỏng do nóng.
Tính vị: Vị đắng chua, tính hơi hàn.
Quy kinh: Vào kinh Can, Vị, Đại tràng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày uống 5-10g, dạng thuốc sắc.
+ Dùng sống trị băng huyết, lị ra máu, mạch lươn, giải độc.
+ Dùng chín: Cầm máu.
Kiêng kỵ: Không dùng Địa du cho các trường hợp bỏng diện rộng. Dạng thuốc mỡ của cây này có thể gây nhiễm độc sau khi hấp thu toàn thân.
Bảo quản: Đậy kín.