Kha tử
Kha Tử

Kha tử là cây to, cao 15-20m. Cành non có lông. Vỏ thân màu xám nhạt, có vách nứt dọc. Lá mọc so le, đầu nhọn, 15-20cm, có lông mềm, sau nhẵn. Ở đầu cuống lá có 2 tua nhỏ. Hoa nhỏ, màu trắng vàng vàng, thơm, xếp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, phủ lông màu đồng. Quả hình trứng thuôn dài, màu nâu vàng nhạt, có thịt đen. Hạch chứa một hạt dày 4mm, có lá mầm cuộn. Cây ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 8-9.
Địa lý: Cây mọc ở miền Nam nước ta, ở Ấn Độ, Thái Lan.
Bộ phận dùng: Quả khô – Fructus Chebulae, thường gọi Kha tử. Có khi dùng cả vỏ cây.
Thu hái, sơ chế:
Thu hái quả vào mùa quả chín (tháng 9-11), phơi khô. Khi dùng sao qua, bỏ hạt. Kha tử đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô, khi dùng đập nát.Thịt quả Kha tử: Lấy Kha tử sạch, ngâm qua nước, ủ mềm, bỏ hạch, phơi thịt quả đến khô.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Kha tử là quả có hình quả trám hoặc hình trứng thuôn, dài 2 – 4 cm, đường kính 2 – 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng hoặc màu nâu thẫm, hơi sáng bóng; có 5 – 6 cạnh dọc và vân nhăn không đều; phần đáy có vết sẹo cuống quả, hình tròn. Chất chắc, thịt quả dày 0,2 – 0,4 cm, màu nâu hơi vàng, hoặc vàng nâu thẫm; hạch quả dài 1,5 – 2,5 cm, đường kính 1 – 1,5 cm, màu vàng nhạt, thô và cứng. Hạt hình thoi hẹp, dài chừng 1 cm, đường kính 0,2 – 0,4 cm, vỏ cứng màu vàng nâu, đôi lá mầm màu trắng, chồng lên nhau và cuộn xoắn lại. Không mùi, vị chua, chát, sau ngọt.
Quả Kha tử khô
Tính vị: Vị đắng, chua, sáp, tính ôn
Quy kinh: Vào kinh phế và đại trường
Thành phần hóa học:
Trong quả có khoảng 30% chất săn da mà chất đặc trưng là acid chebulinic, chebulin, acid chebulagic terchebin, acid shikimic; còn có 20-40% tanin với acid ellagic, acid gallic, acid quinic; sennoside A và tanase. Trong nhân có 3-7% chất dầu màu vàng, trong suốt, nửa khô.
Tác dụng của Kha tử: Sáp trường, liễm phế, giáng hoả, thông lợi yết hầu.
Chủ trị: Tiêu chảy, lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, thoát giang (sa trực tràng); phế hư, ho, suyễn, ho lâu ngày không ngừng; yết hầu đau, tiếng khàn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 3-6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên.
Kiêng kỵ:
– Không dùng Kha tử trong các trường hợp ho do Phế có thực nhiệt.
– Tiêu chảy do thấp nhiệt, mới cảm, có thực tà không nên dùng.
Bảo quản: Nơi khô ráo.
Bài thuốc có Kha tử:
– Chữa ho khản tiếng do phế hư: Kha tử giã dập, bỏ hạt 8g, Cát cánh 10g, Cam thảo 6g. Sắc 3 nước, cô lại còn 200ml chia làm 4 lần uống trong ngày. Dùng thuốc đến khi khỏi.
– Chữa tiêu chảy mãn tính, lỵ mãn tính: Kha tử nướng chín, bỏ hạt, tán thành bột mịn. Uống mỗi lần 6g bột mịn Kha tử với nước cơm. Ngày uống 2 lần, đến khi khỏi.
– Chữa ngộ độc do thức ăn nhiễm khuẩn, tiêu chảy mãn tính, lỵ mãn tính có sốt: Kha tử nướng chín bỏ hạt 8g, Hoàng liên 5g, Mộc hương 5g làm bột mịn. Chia làm 3 lần uống trong ngày, chiêu với nước sôi để nguội.
Nội dung tương tự
Những lưu ý khi sử dụng cây quýt gai Cây atiso hỗ trợ điều trị huyết áp cao Trà hoa nhài hỗ trợ giảm cân đẹp dáng bạn đã biết chưa? Mua sưa đỏ ở đâu Pleiku tỉnh Gia Lai Cây atiso tốt cho não bộ Giá bán nấm lim xanh Quảng Ninh với hướng dẫn dùng nấm lim xanh